Điểm yếu cơ cấu kinh tế Việt Nam

06:38' - 18/03/2016
BNEWS Điểm bất cập, hạn chế cơ bản của nền kinh tế hiện nay là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào gia tăng các nhân tố đầu vào truyền thống (vốn, lao động, tài nguyên).
TS. Nguyễn Quốc Việt (đứng), Khoa Kinh tế Phát triển – Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: ueb.edu.vn

Để khắc phục những yếu kém nội tại của nền kinh tế, “phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Đảng đã xác định “đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế” là định hướng tổng quát của phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020.

Tuy nhiên, điểm bất cập, hạn chế cơ bản của nền kinh tế hiện nay là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào gia tăng các nhân tố đầu vào truyền thống (vốn, lao động, tài nguyên). Yếu tố vốn đóng góp khoảng 60% trong tốc độ tăng trưởng GDP trong khi yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp 25% (giảm từ mức 40-60% giai đoạn 1990-1997), con số này ở các nước phát triển là khoảng 50%.

Điều này dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp (hệ số ICOR của Việt Nam tăng dần từ 3,5% giai đoạn 1991-1995 lên mức 6,7% giai đoạn 2008-2010, so sánh với các nước trong khu vực, ICOR của Việt Nam gần gấp đôi), sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu và tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã giảm từ 7-8% giai đoạn 2002-2007 xuống chỉ còn 5-6% trong thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế thế giới.

* Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng

Nhìn vào thực trạng, từ năm 1995 đến 2014 tốc độtăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Việt Nam là 6,77% đưa GDP tính theo giá cố định của Việt Nam năm 2014 tăng gấp hơn 3,3 lần so với năm 1995.

Tuy vậy, tăng trưởng GDP mặc dù vẫn ở trong mức tương đối cao nhưng đang có xu hướng không bền vững. Tăng trưởng GDP của Việt Nam không còn ở mức cao nhất trong khu vực. Năm 2010, tăng trưởng GDP của Việt Nam đứng thứ 5 trong khu vực, đứng thứ 26 trên thế giới, năm 2011 mặc dù ở vị trí thứ 4 trong khu vực nhưng đứng thứ 28 trên thế giới.

Trong các năm gần đây, tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn thấp hơn mức bình quân của các nước đang phát triển.

Những hạn chế của mô hình tăng trưởng theo chiều rộng hay chính là chất lượng tăng trưởng thấp đang là nguyên nhân sâu sa đối với những tồn tại, thách thức của nền kinh tế và là rào cản để thực hiện các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế.

Một đặc điểm chung dễ nhận thấy là tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục thiên về chiều rộng, dựa chủ yếu vào gia tăng số lượng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên; hiệu quả sử dụng các nguồn lực (vốn, tài nguyên thiên nhiên, đất đai… ) và năng suất lao động còn thấp; chi phí sản xuất, tiêu hao trên một đơn vị sản phẩm còn ở mức cao và có xu hướng tăng lên.

* Hiệu quả khác biệt giữa các ngành

Khi so sánh năng lực cạnh tranh theo ngành, một điểm rõ ràng là mức độ cải thiện năng suất, hiệu quả giữa các ngành kinh tế có sự khác biệt nhất định.

Khu vực nông, lâm thủy sản vẫn là khu vực có năng suất lao động thấp nhất. Ảnh: TTXVN

Nguyên nhân là do tăng trưởng của khu vực nông, lâm thủy sản còn thấp, sự dịch chuyển lao động mạnh mẽ từ khu vực này sang khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ và sự hạn chế trong chất lượng nguồn nhân lực với số lượng lao động chưa qua đào tạo phổ biến ở mức cao.

Riêng khu vực dịch vụ có năng suất lao động ở mức khá, khoảng 66 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, sự cải thiện năng suất lao động của khu vực này cũng còn tương đối chậm.

Trong khu vực công nghiệp xây dựng, khu vực có năng suất cao nhất trong toàn nền kinh tế, ngành khai khoáng là ngành công nghiệp đạt năng suất lao động cao nhất. Tuy nhiên, mức năng suất ấn tượng của ngành này chủ yếu do đặc thù của ngành là khai khác tài nguyên thiên nhiên có giá trị kinh tế cao, không phải nhờ sự cải thiện trong trình độ lao động.

Hoạt động khai khoáng của Việt Nam đang diễn ra chủ yếu ở công đoạn khai thác thô và sơ chế, không yêu cầu trình độ cao trong quá trình triển khai. Ngành sản xuất và phân phối điện nước là ngành có năng suất tương đối cao và trong xu hướng tăng ổn định với chất lượng lao động ở trình độ khá cao so với mức trình độ chung của lao động trong ngành công nghiệp.

Tuy nhiên trong khu vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến chế tạo có năng suất lao động rất thấp và chậm cải thiện với số lượng lao động chưa qua đào tạo cũng chiếm tỷ trọng khá cao. Trình độ nhân lực hạn chế, chậm cải thiện, đặc biệt thiếu lao động có kỹ năng, tay nghề cao là nguyên nhân quan trọng khiến cho ngành này có giá trị gia tăng thấp.

Mặc dù, ngành này cũng đã có những cải tiến trong áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào sản xuất nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa thực sự như mong đợi.

Các ngành dịch vụ của Việt Nam có năng suất lao động khá lớn. Trong đó nổi bật là ngành kinh doanh bất động sản có năng suất cao nhất, bình quân hiện nay khoảng 1 tỷ đồng/người/năm, cao gấp 20 lần năng suất chung của toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, ngành này cũng là ngành có năng suất biến động bất ổn, thiếu bền vững. Năng suất bình quân của lĩnh vực này đã từng đạt mức gần 9 tỷ đồng/người/năm trong giai đoạn 2000-2005 nhưng sau đó đã giảm mạnh đột ngột trong các giai đoạn sau đó.

Chất lượng lao động làm việc trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng còn rất thấp với tỷ trọng lao động chưa qua đào tạo gia tăng qua từng năm và hiện nay ở mức khoảng 70% trong tổng số lao động toàn ngành.

* Chưa khai thác được chất lượng nguồn nhân lực

Một số ngành dịch vụ quan trọng đối với phát triển kinh tế là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ và y tế, giáo dục là những ngành đòi hỏi lao động trình độ cao thì có mức cải thiện năng suất lao động còn chậm và sự cải thiện năng suất không đi cùng với sự cải thiện trình độ, kỹ năng người lao động.

Việt Nam chưa khai thác được chất lượng nguồn nhân lực một cách hiệu quả để tạo ra giá trị gia tăng cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Điều này chỉ ra rằng, các lĩnh vực này tại Việt Nam còn chưa khai thác được chất lượng nguồn nhân lực một cách hiệu quả để tạo ra giá trị gia tăng cao.

Xem xét sự đóng góp của các yếu tố đầu vào (vốn đầu tư cố định, lao động và TFP) của các ngành kinh tế vào tăng trưởng chung cũng chỉ ra điều tương tự. Các ngành kinh tế chủ yếu tăng trưởng nhờ sự gia tăng vào vốn và lao động trong thời gian qua.

Tác động của các yếu tố đổi mới sản xuất, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao chất lượng lao động, có góp phần làm giá trị gia tăng tăng thêm nhưng còn ở mức khiêm tốn.

Đầu tư đang đóng góp khoảng 60% vào tăng trưởng GDP và đang có xu hướng tăng lên; lao động và nhân tố lao động tổng hợp đóng góp phần còn lại, khoảng 40%; trong đó, nhân tố năng suất tổng hợp đóng góp khoảng 25% và đang có xu hướng giảm xuống.

Công nghệ chậm đổi mới; các sản phẩm công nghệ cao chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu và tỷ trọng này hầu như không đổi trong hơn 10 năm qua. Điều nhấn mạnh thêm là điểm yếu này của cơ cấu kinh tế đã được nhận biết từ nhiều năm trước nhưng chưa có dấu hiệu cải thiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục