Diễn biến mới trong "cuộc chiến" thương mại EU-Trung Quốc

16:01' - 12/10/2017
BNEWS Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc đã hối thúc EU phải tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. Ảnh: THX/TTXVN

Phản ứng trước các quy định thương mại mới của Liên minh châu Âu (EU) đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong một tuyên bố mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc đã hối thúc EU phải tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
EU tuần trước đã nhất trí về những quy định mới nhằm bảo vệ các nhà sản xuất của khối trước làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc.
Động thái trên của EU có nguy cơ sẽ làm xấu thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng với Bắc Kinh. Từ tháng 7/2017, Ủy ban châu Âu (EC), chính phủ các nước thành viên EU và các nghị sỹ châu Âu đã tiến hành thảo luận về các quy định mới về chống bán phá giá nhằm tính thuế nhập khẩu và hạn chế những hành vi thương mại không công bằng, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker nhấn mạnh rằng các quy định này không nhằm vào một quốc gia cụ thể nào mà đơn thuần là để đảm bảo rằng EU có những biện pháp chống lại cạnh tranh không công bằng.

Tuy nhiên, trước các khoản trợ cấp và sản lượng dư thừa của Trung Quốc, đặc biệt đối với mặt hàng thép và các kim loại khác, EU đang phải chịu áp lực lớn từ ngành công nghiệp của khối trong việc duy trì các biện pháp phòng vệ thương mại mạnh mẽ.
Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstroem bày tỏ tin tưởng rằng những thay đổi trong quy định này sẽ củng cố các công cụ phòng vệ thương mại của EU, và đảm bảo rằng ngành công nghiệp của châu Âu sẽ được "trang bị" tốt để ứng phó với sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu được hưởng trợ cấp và bán phá giá.
Khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, các điều khoản trong thỏa thuận gia nhập có nội dung quy định rằng các nước thành viên có thể không coi nước này là nền kinh tế thị trường trong 15 năm.

Theo đó, EU và các cường quốc thuộc WTO vẫn có quyền đơn phương ban hành các quy định chống bán phá giá khắt khe mà không vi phạm quy định của WTO. Hạn 15 năm nói trên đã kết thúc cuối năm ngoái, song EU dự định công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường sau khi những quy định mới của khối có hiệu lực.

>>> Tổng tài sản của quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc vượt mốc 900 tỷ USD

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục