Điện cho Thủ đô - Bài 2: Đón trước nhu cầu tăng cao

16:59' - 22/01/2017
BNEWS Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước nên Truyền tải điện Hà Nội luôn phải chuẩn bị đầy đủ phương án ứng phó xử lý sự cố.
Đảm bảo các ca trực theo quy định. Ảnh: TTXVN

Đây là đơn vị có khối lượng quản lý trạm biến áp nhiều nhất trong 33 đơn vị truyền tải.
Với quy mô lớn như vậy và quản lý hệ thống lưới truyền tải trải rộng trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và các tỉnh lân cận, trong khu vực đông dân cư, nhiều nhà máy, khu công nghiệp, nhiều công trình xây dựng, khu đô thị … nguy cơ mất an toàn cao nên việc đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn Thủ đô nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung là nhiệm vụ rất quan trọng.
Xác định tầm quan trọng này, theo ông Chu Công Sơn, Giám đốc Truyền tải điện Hà Nội, đơn vị đã yêu cầu các đội đường dây kiểm tra các đường dây thường xuyên mang tải cao trên 85% như Hòa Bình-Hà Đông; Hòa Bình-Chèm để phát hiện sớm khiếm khuyết ngăn ngừa sự cố; xử lý, chặt cây cao nguy hiểm, phát quang cây trong và ngoài hành lang đảm bảo đường dây vận hành an toàn.

Đồng thời tăng cường công nhân trực tại các địa điểm có khoảng cách pha - đất thấp vượt các tuyến đường giao thông có mật độ giao thông cao hoặc qua các khu đô thị đang xây dựng để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, đơn vị cũng ký hợp đồng bảo vệ đường dây 500kV với 55 xã trên địa bàn có đường dây đi qua để bảo vệ an toàn hệ thống truyền tải điện.
Đơn vị cũng đang đẩy nhanh tiến độ để trong quý 1 này đưa vào vận hành thêm 3 trạm biến áp là Đông Anh, Long Biên và Bắc Ninh 3, nâng tổng công suất lắp đặt các trạm biến áp quản lý lên 9.956 MVA.

Đồng thời đóng điện đưa vào vận hành thêm 157 km đường dây, nâng tổng số chiều dài đường dây cao áp quản lý lên gần 1.061,8 km, đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng cao của Thủ đô nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung.

Kiểm tra các thông số vận hành. Ảnh: TTXVN

Với Trạm 500kV Thường Tín, trạm có công suất lớn nhất cả nước, được xây dựng trên diện tích xấp xỉ 80.000 m2. Trong năm 2016, trạm đã đóng điện thành công 2 công trình lớn là Lắp đặt máy biến áp 220kV giai đoạn 2 và Nâng công suất máy biến áp 500kV lên 900MVA.
Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) cho biết trong những năm vừa qua, hệ thống truyền tải điện Quốc gia luôn phải chạy theo nhu cầu phát triển phụ tải và đến giai đoạn này lại càng khó khăn hơn do vừa phát triển theo chiều sâu, vừa phát triển theo chiều rộng, tập trung vào năng suất và hiệu quả.

Ngay tại trạm Thường Tín, lúc đầu chỉ lắp đặt 2 máy biến áp 500kV công suất 450MVA nhưng sau đó phải liên tục nâng công suất do thường xuyên mang tải đến 80-90% nên năm 2017, Tổng công ty phải quyết định nâng công suất trạm giai đoạn 2.
Trạm trưởng Chu Xuân Khoát cho biết hiện trạm đã tăng công suất gấp 4 lần kể từ khi vận hành vào năm 2005 và hy vọng năm 2017, việc đưa vào vận hành thêm các trạm biến áp 500kV Đông Anh và Phố Nối sẽ san tải cho trạm này.

Kiểm tra khoảng cách đo pha-đất trong TBA. Ảnh: TTXVN

Để đảm bảo thực hiện 2 nhiệm vụ lớn là cấp điện cho miền Nam và Hà Nội, EVN NPT đang tập trung triển khai các dự án tăng cường truyền tải điện Bắc-Nam. Con số hơn 21.200 tỷ đồng vốn đầu tư để xây dựng các dự án lưới điện truyền tải trong năm 2017 đã được EVN NPT tập trung vào các dự án nâng cao năng lực lưới điện truyền tải, đảm bảo cấp điện cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các khu vực kinh tế trọng điểm miền Bắc và miền Nam.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định xây dựng thêm đường dây 500kV mạch 3 để đưa vào vận hành trước năm 2020, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới.

>> Liên tiếp xảy ra vi phạm hành lang lưới điện cao áp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục