Điện mùa khô 2017 - Bài 1: Nguy cơ mất an toàn lưới điện truyền tải

15:13' - 30/04/2017
BNEWS Các đường dây truyền tải điện có nguy cơ mất an toàn cao khi chạy qua khu vực rừng núi, trung du- nơi đồng bào các dân tộc thiểu số thường đốt nương làm rẫy.
Công nhân Truyền tải điện Tuy Hòa phát quang hành lang tuyến đường dây 220kV Tuy Hòa-Nha Trang. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đang bước vào cao điểm nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.

Đặc biệt, các cung đoạn đường dây đi qua khu vực rừng núi, trung du là nơi đồng bào các dân tộc thiểu số có tập tục đốt nương làm rẫy còn phổ biến, hay bà con có thói quen đốt lá mía ngay dưới đường dây cao áp… là những nguy cơ gây mất an toàn lưới điện rất cao và ảnh hưởng  lớn đến công tác quản lý, vận hành lưới điện truyền tải.

Khu vực tỉnh Phú Yên nguy cơ cháy thường xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau. Nguyên nhân chủ yếu do người dân khai thác cây, tỉa cành, phát dọn thực bì, đốt vệ sinh rẫy, trong điều kiện thời tiết khô hạn dễ cháy lan.

Truyền tải Điện Phú Yên được Công ty Truyền tải điện 3 giao nhiệm vụ quản lý lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Ông Nguyễn Duy Ngọ, Giám đốc Truyền tải Điện Phú Yên cho biết, do đặc điểm lưới điện trong phạm vi đơn vị quản lý đi qua nhiều vùng rừng núi và nguyên liệu mía nên xác suất sự cố trên lưới điện truyền tải là khá cao.

Bên cạnh đó, Truyền tải Điện Phú Yên quản lý một số cung đoạn nằm vùng ven biển, thiết bị nhiễm muối gây rỉ sét, phóng điện trên sứ, dễ gây sự cố.

Trên địa bàn có một số công trình trọng điểm lớn đang xây dựng như hầm Đèo Cả, nâng cấp Quốc lộ 25… nên nhiều tuyến đường mới mở phục vụ thi công và đi gần với đường dây nên có nguy cơ vi phạm hành lang an toàn lưới điện, do vậy đơn vị phải thường xuyên theo dõi nhằm phát hiện ngăn chặn khi có vi phạm. 

Đối với Truyền tải Điện Khánh Hòa, ông Nguyễn Nghĩa, Phó Giám đốc cho biết, địa bàn quản lý của đơn vị đi qua nhiều khu vực rừng trồng và mía nguyên liệu nên ảnh hưởng rất lớn đến vận hành an toàn đường dây. Trong khi đó, ở một số vị trí đi vào vùng biển, do ảnh hưởng của muối mặn khiến sứ dễ nhiễm bẩn, ăn mòn thiết bị.

Công nhân Truyền tải điện Bình Định chuyển cây sao đen ra khỏi hàng lang tuyến. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Để khắc phục, đơn vị đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, nhà máy đường, Ban Quản lý rừng phòng hộ có giải pháp chống cháy, đồng thời tuyên truyền tới từng thôn buôn để nâng cao ý thức bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp trong nhân dân.

Trong khi đó, lưới điện do Truyền tải Điện Bình Định quản lý đi qua nhiều vùng địa hình, khí hậu phức tạp, đèo cao hiểm trở, các khu công nghiệp Phú Tài, Phước A, Nhơn Hòa; tiểu thủ công nghiệp Phú Khoang, Tây Sơn có các xí nghiệp chế biến đá và các nông lâm trường nên cũng là những khu vực tiềm ẩn nguy cơ sự cố cao do có mật độ giông sét lớn, bụi bẩn nhiều và xâm phạm hành lang an toàn lưới điện.

Giám đốc Truyền tải Điện Bình Định, ông Đặng Đình Phụng cho hay, địa hình do đơn vị quản lý chủ yếu qua rừng bạch đàn, khi dân đốt rừng, dọn thực bì dễ gây cháy trong hành lang tuyến.

 Chưa kể ở đường dây 220 kV An Khê - Quy Nhơn mạch 2, kết hợp cải tạo mạch 1 để cung cấp điện cho toàn bộ phía Nam tỉnh Bình Định tuy mới xây dựng và đóng điện trong tháng 12/2015 có 80% vị trí cột nằm trên núi, nhưng có hơn 30 hộ chưa thỏa mãn về giá và chính sách đền bù do phải di dời số lượng cây sao đen nằm trong hành lang tuyến.

Tại vị trí 77 của đường dây này có khối lượng phải di dời trên 150 cây sao đen, ông Trần Hồng Tuấn, Phó Giám đốc Truyền tải Điện Bình Định cho biết, sau khi đóng điện xong, đơn vị phải dọn dẹp tiếp phần hành lang tuyến còn lại của các hộ dân chưa hài lòng về phương án đền bù cây sao đen.

Địa bàn quản lý của Truyền tải Điện Quảng Ngãi (Công ty Truyền tải điện 2) cũng rộng khắp, rải đều trên toàn tỉnh Quảng Ngãi nên đơn vị cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại về thời tiết phức tạp, đặc thù của khu vực miền Trung.

Mùa nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao do người dân phát rẫy, đốt rừng  gây cháy lan vào hành lang tuyến làm ảnh hưởng đến công tác quản lý vận hành cũng như khắc phục nhanh các sự cố để kịp thời khôi phục lại lưới điện.

Phó Giám đốc Truyền tải Điện Quảng Ngãi Lê Minh Mẫn cho biết, 65% khối lượng đường dây do đơn vị quản lý là đi qua địa hình đồi núi, còn lại là trung du và đồng bằng.

Hai bên hành lang đường dây chủ yếu trồng bạch đàn và keo lá tràm phát triển nhanh nên định kỳ 3 tháng/lần, đợn vị phải lên kế hoạch xử lý triệt để ngay không để ảnh hưởng đến quá trình vận hành. 

Truyền tải điện Quảng Nam cũng quản lý lưới điện trải dài trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đi qua nhiều rừng núi cao của các huyện như Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Quế Sơn, Hiệp Đức, Bắc Trà My và vùng rừng núi giúp biên giới Việt-Lào, nương rẫy của đồng bào dân tộc Kơtu. Ở khu vực đồng bằng và trung du thì người dân trồng keo lá tràm, bạch đàn dọc theo hành lang tuyến các đường dây.

Ông Lê Tự Châu, Phó Giám đốc Truyền tải Điện Quảng Nam chia sẻ: “Cùng với thời gian, thiết bị trên lưới truyền tải thuộc đơn vị quản lý đang ngày càng già cỗi, chất lượng giảm xuống trong khi yêu cầu vận hành đảm bảo cung cấp điện ngày càng cao nếu như đơn vị không triển khai nhiều giải pháp như thường xuyên tổng kiểm tra, rà soát lưới điện, xử lý các khiếm khuyết, tồn tại trên lưới, đảm bảo thiết bị vận hành an toàn và liên tục.”

Bên cạnh đó, việc khai thác đất trái phép gần chân móng cột, người dân tự ý chuyển đổi canh tác qua trồng các loại cây phát triển nhanh, có lợi về kinh tế như bạch đàn, keo… ngoài hành lang tuyến, có nguy cơ ngã đổ vào đường dây.

Đến mùa thu hoạch, tại những khu vực này thường xuyên có phương tiện qua lại dưới đường dây và sau khi khai thác, người dân tự ý đốt thực bì gần đường dây dễ gây cháy rừng, ảnh hưởng đến vận hành  an toàn của đường dây cao áp…. Đó thực trạng đang diễn ra tại hầu hết địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên có đường dây truyền tải đi qua.

Phòng điều khiển Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Truyền tải Điện Đà Nẵng được Công ty Truyền tải Điện 2 giao nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện truyền tải trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và một phần tỉnh Quảng Nam.

Đây là khu vực có đường dây đi qua nhiều vùng rừng núi, đèo dốc cheo leo, hiểm trở như đèo Hải Vân, có thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra nắng nóng kéo dài, có khả năng gây cháy rừng, giông sét vào mùa khô và mùa mưa, bão lụt kéo dài đe dọa, gây sạt lở móng cột.

Chưa kể việc xây dựng các công trình trong hành lang an toàn lưới điện không có sự thỏa thuận của đơn vị quản lý lưới điện cao áp… đang diễn ra khá phổ biến.

Nhân xét về lưới điện truyền tải trong phạm vi Công ty Truyền tải điện 2 quản lý, ông Trần Thanh Phong, Giám đốc cho biết, các tuyến đường dây truyền tải chủ yếu đi qua đồi núi và ven biển Bắc Trung bộ.

Có những đoạn đường dây vượt qua những địa hình đặc biệt phức tạp như đèo Hải Vân nằm giữa địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, vượt đèo Lò Xo nằm giữa địa bàn tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum, đèo Viôlét nằm giữa địa bàn tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi, khu vực biên giới Việt – Lào thuộc tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum…. 

“Do vậy, các đơn vị truyền tải đều phải thường xuyên kiểm tra định kỳ hàng tháng, hàng quý, đột xuất và kiểm tra đêm theo quy định nhằm phát hiện những bất thường của các thiết bị, công trình trên lưới điện.

Hay phát quang triệt để hành lang tuyến, đường vào tuyến; thường xuyên giải tỏa, chặt tỉa cây cao ngoài hành lang, phòng ngừa sự cố và có khả năng làm ảnh hưởng đến công tác quản lý vận hành của đường dây”, ông Phong cho hay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục