Điều chỉnh giá vé máy bay: Sẽ có thêm mức giá sàn?

17:16' - 31/03/2017
BNEWS Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng Dự thảo quy định mức khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa năm 2017.
Xây dựng Dự thảo điều chỉnh khung giá dịch vụ hàng không nội địa. Ảnh minh họa: TTXVN

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng Dự thảo quy định mức khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa năm 2017.

Điều chỉnh tăng giá trần

Thay vì đề xuất giữ nguyên mức giá trần quy định 4.250 đồng/hàng khách.km. áp dụng cho 5 nhóm cự ly đường bay theo Quyết định số 3282/QĐ-BTC ngày 19/12/2014 của Bộ Tài Chính, Cục Hàng không kiến nghị điều chỉnh tăng mức trần với tỷ lệ tăng khoảng 11,8% so với mức quy định.

“Việc quy định khung giá tối đa cụ thể với 5 nhóm cự ly cần được xét tổng thể các yếu tố tác động đến chi phí của các hãng, đảm bảo duy trì ổn định trong thời gian ít nhất là 2 năm”, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Phạm Văn Hảo cho biết.

Lấy mốc tháng 2/2017, Cục Hàng không phân tích giá nhiên liệu Jet A1 tại khu vực châu Á đang có chiều hướng tăng. Bên cạnh đó, tỷ giá biến động tăng làm các chi phí có gốc ngoại tệ như: thuê phi công người nước ngoài, thuê mua tàu bay… của các hãng hàng không cũng tăng. Những biến động này đã đẩy chi phí vé tàu bay bình quân leo thang.

Như vậy, với tính toán này của Cục Hàng không, giá tối đa kiến nghị điều chỉnh của 5 nhóm cự ly sẽ được thực hiện mới, từ mức giá trần 1,7 triệu đồng cho đường bay dưới 500 km tới 4,35 triệu đồng cho đường bay từ 1.280 km trở lên, mức chênh lệch tăng trong khoảng trung bình 11,8%.

Đề nghị thêm giá sàn

Đề nghị tăng mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa của Cục Hàng không Việt Nam đã đươc các hàng Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air tán thành. Tuy nhiên, bên cạnh việc quy định trần giá vé máy bay, Hãng hàng không Jetstar Pacific đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, áp dụng thêm mức giá sàn trong khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.

Tại văn bản số 389/JPA-TM gửi Bộ Giao thông vận tải vào cuối tháng 3/2017, Jetstar Pacific khẳng định: “Cần phải có mức giá sàn bên cạnh mức giá trần để tạo thành khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa”.

Theo nghiên cứu của Jetstar Pacific, trong giai đoạn 2014 – 2016, mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa đã tăng hơn 30%/năm và các hãng hàng không Việt Nam đã phải liên tục giảm giá vé (có khi bán thấp hơn giá thành) và sẽ tiếp tục giảm để thu hút khách. Điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các hãng hàng không và ngành hàng không.

Cũng theo Jetstar Pacific, giá vé vận chuyển hàng không có nhiều mức giá thấp hơn mức giá vé đường sắt, đường bộ và có thể tạo ra sự phát triển mất cân đối giữa ngành hàng không và các ngành vận tải khác.

Bên cạnh đó , Hãng cho rằng hiện tỷ giá đồng ngoại tệ đang tăng khiến một số yếu tố chi phí đầu vào của các hãng hàng không tăng (do chi trả bằng ngoài tệ chiếm tới hơn 80% tổng chi phí). Nếu giá vé máy bay nội địa tiếp tục bị giảm do cạnh tranh về giá vé (bán vé thấp nhiều và đang khó quản lý khi chưa có quy định về giá sàn) sẽ tác động đến hiệu quả hoạt động của các hãng hàng không.

“Với các lý do trên, Jetstar Pacific kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam xem xét, ban hành khung giá (có giá sàn và giá trần) trong quyết định mới để đúng với quy định pháp luật, đồng thời góp phần phát triển bền vững ngành hàng không nói riêng và ngành vận tải của Việt Nam nói chung, tạo sự phát triển bền vững cho xã hội”, văn bản của Jetstar nêu rõ.

Đối với phương thức xác định mức giá sàn, Jetstar Pacific đề xuất dựa trên chi phí trực tiếp ( Direct Operating Cost ) của chuyến bay. Đó là chi phí cơ bản trực tiếp liên quan đến phục vụ khai thác một chuyến bay và cơ bản giống nhau giữa các hãng cho 1 loại máy bay. Nếu tính toán xây dựng trên cơ sở đội tàu bay A320 của Jetstar Pacific, dự kiến giá sàn cho 5 nhóm đường bay sẽ giao động từ 29 – 34% giá trần dành cho 5 nhóm cự ly bay.

Có cấp thiết xây dựng khung giá sàn?

Đây không phải là lần đầu tiên, vấn đề có nên ban hành mức sàn dành cho khung giá dịch vụ hàng không nội địa được đưa lên kiến nghị. Năm 2008, khi Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh trần khung giá vé máy bay phổ thông nội địa, Cục Hàng không Việt Nam đã từng tính tới việc lần đầu tiên áp dụng mức giá sàn dành cho vé máy bay trong nước.

Tuy nhiên, dự định này của Cục Hàng không đã vấp phải sự phản đối từ chính các hãng hàng không nội địa. Việc áp dụng giá sàn, theo các chuyên gia hàng không, chỉ áp dụng trong trường hợp nhà quản lý e ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh mang tính chất cá lớn nuốt cá bé. Chẳng hạn khi có doanh nghiệp lớn bán giảm giá hàng loạt để loại bỏ doanh nghiệp yếu hơn khỏi thị trường trong một khoảng thời gian nhất định có tính toán để quay trở lại thế độc quyền.

Với thị trường Việt Nam (giai đoạn 2008) chưa có khả năng xảy ra hiện tượng này nên không nhất thiết phải áp dụng. Còn nếu nhất thiết phải có khung giá thì có thể coi mức sàn là 0.

Quay trở lại với kiến nghị của Jetstar Pacifc về việc áp dụng giá sàn tại thời điểm hiện tại, mới đây nhất, hãng hàng không Vietjet cũng đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Giao thông vận tải về việc không áp dụng giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách vé phổ thông trên các đường bay nội địa.

Vietjet lý giải, việc quy định giá sàn dù dưới hình thức nào cũng không phù hợp với quy định của Luật cạnh tranh năm 2014 và thông lệ quốc tế. “Việc quy định giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá dịch vụ của các hãng hàng không nội địa, điều đó có nghĩa là hạn chế cơ hội tiếp cận phương tiện vận chuyển hàng không của hơn 80 triệu dân Việt Nam”, Giám đốc điều hành Vietjet Lưu Đức Khánh nhấn mạnh.

Theo ông Lưu Đức Khánh, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không và các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không cần phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi ý kiến có sự tham gia của các chuyên gia, các Viện nghiên cứu để đánh giá tác động của việc quy định giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông trên các đường bay nội địa. Đồng thời, tổ chức việc thăm dò ý kiến người tiêu dùng về vấn đề này thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Hiện Cục Hàng không và Bộ Giao thông vận tải chưa có ý kiến phản hồi về những kiến nghị này của các hãng hàng không. Tuy nhiên,việc xây dựng một khung giá (giá trần và giá sàn, nếu có) của dịch vụ hàng không nội địa không phải là vấn đề của một đơn vị, mà là sự vào cuộc của các cơ quan liên Bộ bao gồm Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính sau những cân nhắc và tính toán cụ thể, nhằm mục đích hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp hàng không, lựa chọn của hành khách, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trên cùng một lĩnh vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục