Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu: Tính sao cho vẹn toàn?

16:52' - 20/04/2017
BNEWS Theo hướng dự thảo dự kiến, lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu sẽ là mỗi năm tăng lên 6 tháng, tăng cho đến khi tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 và nam lên 62.
Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu: Tính sao cho vẹn toàn? Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 20/4, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Viện Nghiên cứu lập pháp và Quỹ Rosa Luxemburg (Cộng hòa Liên bang Đức) phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tập trung trao đổi, thảo luận nội dung quan trọng của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này, đó là nâng tuổi nghỉ hưu trong các khu vực lao động, sản xuất.
Đề cập tới cơ sở để nâng tuổi hưu, thống kê từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, với mức đóng góp và mức hưởng chế độ như quy định hiện hành và số dư quỹ tính đến cuối năm 2012 (gần 250.000 tỷ đồng), đến năm 2023, số thu sẽ bằng số chi.

Điều này dẫn tới khả năng, đến năm 2037, nếu không điều chỉnh chính sách hoặc không phát triển mạnh đối tượng, tăng thu hoặc giảm chi, số thu bảo hiểm xã hội sẽ không đảm bảo khả năng chi trả hay nói cách khác là... vỡ quỹ.
Ông Hà Đình Bốn, Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Theo hướng dự thảo dự kiến, lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu sẽ là mỗi năm tăng lên 6 tháng, tăng cho đến khi tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 và nam lên 62”. Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tận dụng được một phần nguồn lao động có trình độ cao, có bề dày kinh nghiệm.

Đến thời gian này, rất cần thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ khi đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của lao động nữ được nâng lên.

Tuy nhiên, ông Hà Đình Bốn cũng nêu ra bất cập khi nâng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động trực tiếp đến kinh tế, xã hội, vì vậy cần phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, khoa học, chính xác.
Không đồng tình với quan điểm trên, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là không phù hợp với những người làm trong ngành nghề lao động chân tay.

Thực tiễn ở các doanh nghiệp, điều kiện lao động hiện nay chủ yếu là làm cơ bắp. Ví dụ, ở ngành dệt may, công nhân từ 30-35 tuổi là mắt mờ, tay chậm; công nhân ngành thủy sản đứng trong phòng lạnh suốt ngày dẫn đến giãn tĩnh mạch nên cũng chỉ làm việc đến 35- 40 tuổi.

Đặc biệt như trường hợp các nữ công nhân ở nông trường cao su, từ 3 giờ hàng ngày họ đã phải dậy để đi cạo mủ cao su nên cũng chỉ làm việc được đến năm 40 tuổi. Do vậy, việc tăng lứa tuổi nghỉ hưu cần được xem xét, đánh giá cho phù hợp với nhiều đối tượng ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
Ngoài vấn đề về nâng tuổi nghỉ hưu cho người lao động, tại hội thảo, các đại biểu còn đưa ra những bất cập trong việc thay đổi chính sách bảo hiểm xã hội; vấn đề chế định tiền lương tối thiểu, chế định về hợp đồng lao động; bảo vệ quyền lợi của người lao động… với một mục tiêu xuyên suốt “con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”.
Chia sẻ thêm về quan điểm này, Tiến sĩ Bùi Sĩ Lợi , Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định: “Nhà nước không thể bao cấp mãi được”.

Vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nêu ra rất thực tiễn nhưng cần có đánh giá những tác động từ thực trạng đất nước ta.

Thứ nhất là căn cứ vào sức khỏe của người lao động, tuổi thọ của người Việt Nam có nâng lên nhưng vẫn là thấp trong khu vực.

Thứ hai là căn cứ vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thứ ba là áp lực cung - cầu lao động.
Hội thảo diễn ra đến ngày 21/4. Những tham luận tại hội thảo sẽ được Ban Tổ chức hội thảo tổng hợp, làm cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉnh sửa, bổ sung trước khi đưa ra tại Kỳ họp Quốc hội nhằm tạo sự đồng thuận, góp phần quan trọng cho việc sử dụng, quản lý lao động, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và sử dụng lao động ở nước ta mang lại hiệu quả thiết thực.

>>>Có nên tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục