Điều kiện kinh doanh nào phù hợp và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp?

15:57' - 31/05/2017
BNEWS Các điều kiện kinh doanh cần được ban hành từ cấp Nghị định trở lên. Tiêu chí của các điều kiện kinh doanh khi ban hành cần đảm bảo tính thống nhất, minh bạch...
Điều kiện kinh doanh nào phù hợp và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp?. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN
Ngày 31/5 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực khoa học công nghệ và công thương: Nhận diện và Kiến nghị”.

Sự kiện được tổ chức nhằm đánh giá chung về kết quả rà soát các điều kiện kinh doanh thuộc hai lĩnh vực này; đồng thời, ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại diện các hiệp hội, các doanh nghiệp về việc xác định những điều kiện kinh doanh nào là hợp lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đại diện phía VCCI cho biết, qua việc tiến hành rà soát của Ban Pháp chế (VCCI) đối với các ngành nghề như xuất khẩu gạo, kinh doanh khí, kinh doanh rượu, kinh doanh dịch vụ logistics và kinh doanh dịch vụ tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh…cho thấy, còn nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp và cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, cần được sửa đổi hoặc bãi bỏ càng sớm càng tốt.

Các điều kiện kinh doanh cần được ban hành từ cấp Nghị định trở lên. Việc ban hành các điều kiện kinh doanh là nhằm các lý do về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Tiêu chí của các điều kiện kinh doanh khi ban hành cần đảm bảo tính thống nhất, tính minh bạch và tính hợp lý, tính khả thi.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, giữa điều kiện kinh doanh và quy chuẩn kỹ thuật có thể cần có một phần trùng nhau, đó là yêu cầu điều kiện về quy trình sản xuất.

Do đó, cần khuyến khích doanh nghiệp, các tổ chức ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật. Trường hợp cơ quan nhà nước ban hành Quy chuẩn kỹ thuật thì các điều kiện phải đảm bảo tính hợp lý và dễ dàng thực thi.

Riêng về tiêu chí điều kiện đầu tư kinh doanh, ông Hiếu cho rằng, nếu như nhà nước không can thiệp bằng các điều kiện kinh doanh thì mọi hoạt động kinh doanh đều có thể có nguy cơ gây rủi ro cho xã hội, người tiêu dùng.

Các điều kiện kinh doanh ấy nếu đảm bảo tính hợp lý sẽ không tạo thêm chi phí cho doanh nghiệp; không hạn chế sáng tạo và sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Như vậy có thể thấy, thực tế có nhiều cách khác nhau và rẻ hơn mà vẫn đạt được mục tiêu quản lý nhà nước.

Chính phủ cần tiến hành rà soát và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung danh mục cấm đầu tư kinh doanh, danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện theo thủ tục rút gọn.

Đồng thời, ban hành mới, sửa đổi đổi các điều kiện đầu tư kinh doanh theo đúng trình tự, và bổ sung các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ông Hiếu nêu rõ.

Vừa là doanh nghiệp, lại đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp logistics, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam đồng tình với quan điểm dịch vụ logistics không phải là một ngành, nghề riêng mà bao gồm nhiều công việc, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, ông Tương không thống nhất với nhận định cho rằng, có nhiều ngành, nghề không cần phải đáp ứng điều kiện kinh doanh như giao nhận hàng, thủ tục giấy tờ và các hoạt động hỗ trợ khác…Vì thế, không thể xác định một điều kiện chung áp dụng cho các chủ thể cung cấp dịch vụ logistics

Do tính chất đặc thù của dịch vụ logistics, là ngành dịch vụ tổng hợp, nên trong cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), không có cam kết chung cho dịch vụ logistics mà chỉ có cam kết riêng cho từng loại hình cung cấp dịch vụ này. Do đó, xác định điều kiện kinh doanh chung cho cả ngành dịch vụ logistics là cần thiết.

Việc quy định tạo thuận lợi cho việc quản lý và cấp phép đầu tư, tránh bị lợi dụng khi xin cấp phép đầu tư kinh doanh dịch vụ logistics. Đây không phải là “hình thức kiểm soát quá mức cần thiết và chưa hợp lý”. Và ở đây không có mâu thuẫn với luật pháp chuyên ngành, ông Tương nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục