Điều tra những người từng cộng tác với cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn

12:46' - 10/05/2017
BNEWS Văn phòng Công tố thành phố Alexandria, bang Virginia của Mỹ đã đưa ra lệnh yêu cầu thu thập thông tin giao dịch của những người từng làm việc với Michael Flynn.
Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn. Ảnh: EPA

Hãng CNN đưa tin ngày 9/5, theo yêu cầu của Bồi thẩm đoàn, Văn phòng Công tố thành phố Alexandria, bang Virginia của Mỹ đã đưa ra lệnh yêu cầu thu thập thông tin giao dịch của những người từng làm việc với Michael Flynn, cựu Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump khi ông này còn là một công dân bình thường.

Hãng CNN dẫn các nguồn thạo tin khẳng lệnh này nhằm tìm kiếm những thông tin giao dịch của những người đã từng cộng tác với ông Flynn trong các hợp đồng sau khi ông rời khỏi chức Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ năm 2014.

Ông Flynn sau đó đã tham gia vào chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Tuy nhiên, đến tháng 2 vừa qua, ông Flynn đột ngột từ chức Cố vấn An ninh Quốc gia sau khi thừa nhận đã tiếp xúc với Đại sứ Nga tại Mỹ khi còn đảm nhiệm cương vị cố vấn tranh cử của ông Trump và không thông báo đầy đủ về cuộc gặp này.

Luật sự của ông Flynn và người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ đều chưa có bình luận gì về thông tin trên.

Ông Flynn hiện là nhân vật trung tâm trong cuộc điều tra về các cáo buộc liên quan đến cái gọi là "Nga can thiệp bầu cử Mỹ".

Các nhà điều tra Mỹ đang điều tra xem liệu ông Flynn có nhận khoản thù lao từ khách hàng có liên hệ với chính phủ nước ngoài, trong đó có Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, một cách phù hợp hay không.

Cho đến nay, giới chức Nga đều phủ nhận những cáo buộc bị coi là "vô căn cứ" và "phi lý" của giới chức Mỹ về can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.

Trong một diễn biễn khác, nhiều quan chức Mỹ ngày 9/5 đã bày tỏ ủng hộ trước quyết định của Tổng thống Trump sa thải Giám đốc Cục Điều tra LB Mỹ (FBI) James Comey, người đang phụ trách cuộc điều tra về khả năng các cố vấn của ông Trump tiếp xúc với giới chức Nga để tác động tới cuộc bầu cử hồi tháng 11/2016.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions tuyên bố nguyên nhân ông Comey bị cách chức là vì FBI cần một khởi đầu mới. Trong bức thư gửi tới Tổng thống Donald Trump và được Nhà Trắng công bố, ông Sessions nêu rõ Giám đốc FBI phải là một người tuân theo các quy định và nguyên tắc trung thực của Bộ Tư pháp.

Người đứng đầu Bộ Tư pháp khẳng định cá nhân này phải là người làm gương cho các quan chức tư pháp và các cá nhân khác trong cơ quan này.

Trong khi đó, Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein khẳng định ông Comey đã mắc sai lầm khi kết luận rằng cuộc điều tra về việc liệu cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton có vi phạm các quy định về xử lý thông tin mật qua hòm thư điện tử cá nhân cần khép lại mà không có cáo buộc hình sự hay không.

Ông Rosenstein cho rằng ông Comey đã tiếm quyền của Bộ trưởng Tư pháp khi đó là Loretta Lynch bằng việc công bố phát hiện điều tra. Cũng theo quan chức này, quyết định khép lại cuộc điều tra đối với bà Clinton đáng ra phải do phía cơ quan công tố quyết định.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ Charles Grassley nhấn mạnh ông Comey đã "đánh mất lòng tin và sự tín nhiệm của người dân".

Ông chỉ trích cuộc điều tra đối với bê bối thư điện tử của bà Clinton, cho rằng FBI quá chậm trong việc trả lời các câu hỏi của ủy ban này.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga đang bị "phủ bóng đen" vì vụ bê bối trên, Tổng thống Donald Trump dự kiến tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng vào lúc 10h30 giờ địa phương (21h30 giờ Việt Nam).

Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao nhất của Tổng thống Trump với một quan chức Nga kể từ khi ông lên nắm quyền.

>> Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ từ chức

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục