Định hướng không gian ngầm tại Tp. Hồ Chí Minh

19:37' - 22/09/2017
BNEWS Ngay tại khu vực trung tâm Tp. Hồ Chí Minh, không gian ngầm vốn là tài nguyên lớn lại chưa được quan tâm xây dựng đúng mức.

Áp lực gia tăng dân số và sự quá tải hạ tầng đô thị đang khiến Tp. Hồ Chí Minh phải tìm đến không gian phát triển mới; trong đó, việc xây dựng và khai thác không gian ngầm được xem là định hướng đúng đắn, phù hợp để phát triển đô thị thông minh, đảm bảo trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ của cả nước.

Công trường xây ga ngầm Nhà hát Thành phố của tuyến Metro số 1 Bến Thành Suối Tiên. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

“Áo” đô thị đã “chật”

Tp. Hồ Chí Minh có diện tích 2.095 km2. Theo Quyết định 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2025, thành phố là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ của cả nước.

Dân số đến năm 2025 đạt khoảng 10 triệu người, khách vãng lai và tạm trú khoảng 2,5 triệu người; trong đó, dân số khu vực nội thành khoảng 7 triệu đến 7,4 triệu người.

Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh, đến năm 2017, số dân sinh sống, làm việc, học tập tại thành phố đã lên đến 13 triệu người. Thành phố đã phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 cho toàn bộ đất quy hoạch đô thị thành phố (trong khoảng gần 100.000 ha).

Mặt khác, thành phố hạn chế phát triển chiều cao công trình trong khu vực trung tâm; diện tích mặt đất khu vực trung tâm đã được sử dụng hết nhưng dân cư vẫn liên tục “nén vào” các toà nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chung cư, khiến hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông tại khu vực trung tâm quá tải trầm trọng.

Điều này cũng khiến kiến trúc không gian đô thị bị phá vỡ, không theo kịp tốc độ đô thị hoá. “Chiếc áo” đô thị thành phố đang ngày càng trở nên chật hẹp, người dân đang phải đối mặt với thách thức về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, ngay tại khu vực trung tâm, không gian ngầm vốn là tài nguyên lớn lại chưa được quan tâm xây dựng đúng mức.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh, không gian ngầm là tài nguyên, cần được khai thác khi diện tích bề mặt của thành phố không thể mở rộng và tốc độ phát triển dân số liên tục tăng. UBND Tp. Hồ Chí Minh đã giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc tham mưu trình Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố; trong đó, sẽ đề cập đến quy hoạch không gian ngầm.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu sử dụng không gian ngầm ngày càng gia tăng do sự khan hiếm diện tích mặt đất để bố trí xây dựng công trình. Xây dựng và khai thác không gian ngầm sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết tắc nghẽn tại khu vực trung tâm.

Vì thế, việc quy hoạch xây dựng không gian ngầm tại Tp. Hồ Chí Minh đang là nhu cầu cấp thiết, nhằm định hướng cho việc đầu tư xây dựng và đảm bảo tầm nhìn lâu dài, khai thác hiệu quả nhất không gian ngầm trong tương lai.

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám Đốc, Đầu tư, Công ty Savills Việt Nam chia sẻ, xây dựng đô thị ngầm sẽ là khuynh hướng phát triển đô thị nén cho các thành phố lớn và là một sự phát triển tất yếu mà các nhà hoạch định đô thị đã đặt ra, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm tới, bởi tiềm năng thương mại to lớn tại các khu vực xung quanh tuyến metro tại Tp. Hồ Chí Minh.

“Bám” theo metro và làm bãi đậu xe ngầm

Tại hội nghị về việc lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm do Sở Quy hoạch và Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, việc lập quy hoạch không gian ngầm nên bám theo các tuyến metro, sau đó mới chia lớp không gian để quản lý.

Còn theo ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch, Hội cầu đường cảng Tp. Hồ Chí Minh, nếu chỉ lập quy hoạch không gian ngầm tại khu vực trung tâm 930ha là chưa đủ, mà nên mở rộng phạm vi nghiên cứu theo các tuyến metro; trong đó, sẽ có tuyến chạy từ trung tâm tới khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Nhà ga trung tâm Bến Thành (thuộc tuyến metro số 1) với quy mô diện tích 45.0002 (4 tầng hầm); trong đó, tầng hầm B1 dự kiến sẽ xây dựng một trung tâm thương mại ngầm kéo dài dọc theo đường Lê Lợi hướng về nhà ga Nhà hát thành phố (dài khoảng 550m).

Dự án thí điểm này được đánh giá là biểu trưng của đô thị hiện đại và đang thu hút sự tham gia nghiên cứu của một doanh nghiệp lớn. Tương tự, các nhà ga ngầm của tuyến metro số 2 (chạy dọc phía dưới đường Cách Mạng Tháng Tám) cũng đang được Ban quản lý đường sắt đô thị (chủ đầu tư các tuyến metro) xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư.

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương cho rằng, hệ thống tàu điện ngầm và hạ tầng giao thông đồng bộ là một phần không thể thiếu của những siêu đô thị trên thế giới. Từ sự thịnh hành của metro, quy hoạch hệ thống đô thị ngầm được hình thành gần như song song và đã tạo nên những thay đổi lớn cho đô thị của các quốc gia.

Còn theo đại diện lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố, không gian ngầm đang được sử dụng cho 3 nhóm hạng mục công trình hạ tầng cơ bản như đường cấp khí ga, nước, điện, thông tin liên lạc; các công trình giao thông đô thị như tàu điện ngầm, đường giao thông ngầm, bãi đậu xe ngầm; các công trình thương mại dịch vụ như các khu phố mua sắm ngầm. Hiện nay ở một số thành phố lớn trên thế giới như Tokyo, Toronto… có đến 60% các hoạt động là sử dụng phần không gian ngầm.

Hiện tại, khu vực trung tâm Tp. Hồ Chí Minh có nhiều công trình dự án xây dựng tầng hầm với tổng diện tích xây dựng hầm hơn 11ha, hầu hết sử dụng mục đích đậu xe, một số dự án có tầng hầm sử dụng cho mục đích thương mại.

Theo đề xuất của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh, trước mắt, thực hiện quy hoạch không gian ngầm cho tuyến metro số 1, 2, 3a, 3b, 4, 5, 6. Các tuyến này có chung ga ngầm trung tâm Bến Thành (quận 1) với diện tích 45.000m2.

Ngoài ra, Sở Quy hoạch và Kiến trúc cũng đề xuất triển khai quy hoạch không gian ngầm tại khu trung tâm hiện hữu 930ha sẽ là nơi có nhiều công trình cao ốc, nhà cao tầng, có giá trị sử dụng đất rất cao và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, quy mô 657ha); đồng thời, tập trung vào các khu vực trọng điểm xung quanh nhà ga metro, các không gian công cộng lớn, các tuyến giao thông chính…

Theo Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 8/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2020 tầm nhìn sau năm 2030, thành phố sẽ có 7 bãi đậu xe ngầm; trong đó, có 3 bãi kết hợp quy hoạch không gian ngầm. Thành phố hiện đang thiếu và rất cần bãi đỗ xe ngầm, nhất là tại khu vực trung tâm.

Trong thời gian qua, đã có nhiều chủ đầu tư tham gia nghiên cứu, đầu tư bãi đậu xe ngầm nhưng không thành công do sự phức tạp của địa chất, công nghệ, chi phí đầu tư cao.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải thành phố, hiện nay bãi xe công viên Lê Văn Tám (có tổng mức đầu tư 1.748 tỷ đồng) đang trong giai đoạn hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật, di dời cây xanh, dự kiến khởi công trong năm 2017.

Bãi xe công viên Tao Đàn (1.055 tỷ đồng) đang được chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến xây dựng và đưa vào khai thác trong năn 2022.

Bãi đậu xe sân khấu Trống Đồng (740 tỷ đồng) đang trong giai đoạn hoàn thiện phương án hỗ trợ di dời giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, bãi đậu xe sân vận động Hoa Lư (3.419 tỷ đồng) đang được chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

>>>Các dự án metro của Tp. Hồ Chí Minh: Từ đội vốn đến thiếu tiền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục