Định hướng phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020

16:52' - 28/02/2017
BNEWS Cuộc họp báo chuyên đề liên quan tới vấn đề định hướng phát triển thị trường trái phiếu trong các năm tiếp theo đã được Bộ Tài chính tổ chức ngày 28/2, tại Hà Nội.
 Bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng chủ trì buổi họp báo chuyên đề “Thị trường trái phiếu năm 2017 và định hướng phát triển trong các năm tiếp theo” ngày 28/2/2017 tại Hà Nội. Ảnh: Võ Tuyết/TTXVN 

Bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là phát triển thị trường trái phiếu ổn định, cấu trúc hoàn chỉnh, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động.

Bên cạnh đó, đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế ; b ảo đảm công khai, minh bạch và lợi ích của nhà đầu tư; chủ động hội nhập thị trường quốc tế. 

Theo đó, trong năm 2017 và các năm tiếp theo Bộ Tài chính tập trung vào một số những nhiệm vụ cụ thể liên quan tới vấn đề: khuôn khổ chính sách; cung, cầu cho thị trường; phát triển định chế trung gian.

Cụ thể, trong năm nay, Bộ Tài chính dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến 2030 với đầy đủ các giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu.

Đồng thời, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu, tăng cường minh bạch hóa và công khai thông tin trong quá trình huy động vốn.

Bên cạnh đó, cơ quan này ban hành Thông tư mua lại trái phiếu Chính phủ thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ.

Định hướng trong thời gian tới là phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ trở thành thị trường chuẩn cho thị trường tài chính, làm nòng cốt để phát triển thị trường trái phiếu.

Các sản phẩm trái phiếu Chính phủ cũng sẽ được đa dạng hoá để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư; tiếp tục phát hành kỳ hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm nhằm kéo dài kỳ hạn của danh mục nợ Chính phủ theo hướng bền vững; nghiên cứu triển khai sản phẩm mới như trái phiếu có lãi suất thả nổi.

Ngoài ra, việc đa dạng hoá các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu cũng được thực hiện. Nhà đầu tư dài hạn được tập trung phát triển để tạo cầu bền vững thông qua các giải pháp: đổi mới cơ chế đầu tư của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên thị trường trái phiếu theo quy định tại Nghị định 30/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ tăng tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu; xây dựng lộ trình thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường trái phiếu.

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm được khuyến khích hình thành và đi vào hoạt động để nâng cao tính công khai, minh bạch của quá trình huy động vốn trái phiếu. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các thành viên thị trường và Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam được tăng cường.

Vấn đề hợp tác quốc tế được đẩy mạnh để tạo sự liên kết giữa thị trường trái phiếu trong nước với thị trường trái phiếu khu vực và thế giới. Cách làm này nhằm tận dụng cơ hội và tiềm năng để phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam theo thông lệ quốc tế.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, năm 2016, khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ đạt 281.750 tỷ đồng, tương đương 98,3% kế hoạch phát hành năm với 91% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Đồng thời lần đầu tiên phát hành thành công trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm cho nhà đầu tư nước ngoài.

Sau khi thực hiện tái cơ cấu, danh mục nợ Chính phủ có sự cải thiện rõ rệt cả về quy mô, kỳ hạn và chi phí huy động với quy mô đạt 27,3% GDP năm 2016 so với mức 16,2% GDP năm 2015./.

>>>Rà soát số liệu cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn Trái phiếu Chính phủ chưa giải ngân

>>>Tăng sức hút dòng vốn vào thị trường chứng khoán

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục