Định hướng triển khai các giải pháp hội nhập trong thời gian tới

21:03' - 26/08/2016
BNEWS Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong tìm hiểu, tiến tới vận dụng tốt các ưu đãi khi hội nhập, nhất là về thuế để mở rộng xuất khẩu...

Ngày 26/8, tại Bộ Công Thương, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã chủ trì phiên họp đánh giá công tác hội nhập kinh tế trong thời gian qua, định hướng triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Theo đánh giá tại phiên họp, các hiệp định ký kết với các tổ chức quốc tế và các quốc gia đã mở ra thị trường mới, rộng lớn cho hợp tác kinh tế thương mại đầu tư.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Việt Nam cũng đã đầu tư ra nước ngoài trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Từ đó, Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện cho mô hình hướng về xuất khẩu, mở rộng hàng nhập khẩu.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự chủ động trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ảnh minh họa: reuters

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam còn chưa thực sự chủ động, chưa tận dụng tốt nhất các lợi thế.

Cụ thể, trong nội địa, khả năng nắm bắt cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam còn kém, chưa rõ ràng. Nguyên nhân là do khu vực thương mại tự do phần lớn trong ASEAN và các đối tác, có cơ cấu kinh tế trùng lặp với Việt Nam nên tính cạnh tranh nhiều hơn tính bổ sung.

Thứ 2 là tập quán làm ăn của doanh nghiệp trong nước là mua - bán tại cầu cảng (giá FOB, CIF) nên không có nhu cầu ra nước ngoài tìm kiếm nguồn hàng, đối tác. Do vậy, phần lớn doanh nghiệp không quan tâm việc cắt giảm thuế bởi họ không bán hàng, không nộp thuế tại nước ngoài.

Ngoài ra, các cam kết về mở cửa thị trường cũng tạo ra sức cạnh tranh lớn hơn trong một số lĩnh vực, như chăn nuôi. Đây là lĩnh vực sẽ chịu sức ép lớn, đặc biệt với các đối tác mạnh về chăn nuôi như Hoa Kỳ, Úc, châu Âu.

Sức cạnh tranh yếu là do mô hình sản xuất, phương thức sản xuất rồi về ý thức người dân trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam chưa tốt. Nếu có thể giải quyết được vấn đề này thì không lý do gì chúng ta đứng vững được trên sân nhà.

Cuối cùng là các cam kết sâu rộng đòi hỏi phải có sự thực thi tương đối thống nhất giữa Trung Ương và địa phương, các địa phương cũng phải nắm bắt các cam kết trong FTA để phòng việc các nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện. Cần tăng hơn nữa đào tạo, hướng dẫn các địa phương để họ nắm được các nội dung, cam kết trong hội nhập, tránh các tranh chấp không đáng có với các nhà đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam Việt cần chủ động hơn nữa trong tìm hiểu, tiến tới vận dụng tốt các ưu đãi khi hội nhập, nhất là về thuế để mở rộng xuất khẩu, phòng tránh nhập siêu hoặc khiếu kiện từ phía doanh nghiệp nước ngoài...

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh, làm ăn bài bản đầu tư ra nước ngoài như Vinamilk, TH True Milk, Minh Phú, Vĩnh Hoàng…

Trong tương lai, nếu có đàm phán thêm các hiệp định thương mại tự do thì phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất để đàm phán và nguyên tắc đàm phán là Việt Nam cần được “ứng xử” đặc biệt trong thực thi hiệp định vì là nước kém phát triển; lựa chọn các thị trường có cơ cấu kinh tế bổ sung cho Việt Nam.

Để tăng tính chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hòa cho rằng, Ban chỉ đạo hội nhập kinh tế cần chủ động xác định các đối tác cần đàm phán trong thời gian tới để trên cơ sở những chuyển dịch FTA thì những vướng mắc sẽ tổng hợp lại để trình xin ý kiến Trưởng ban chỉ đạo, Chính phủ…

Ngoài ra, cần tiến hành rà soát tổng thể việc thực thi các FTA trong thời gian qua, công việc của các bộ ngành, các doanh nghiệp, các địa phương, ngành nghề để thấy ta đang ở vị trí nào, đi bước đi nào để hội nhập vững chắc…, ông Hòa nói.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan, TPP dự báo sẽ tạo ra 75 triệu lao động việc làm. Nhưng từ cơ hội đến hiện thực là rất khó. Để làm được việc này, ngoài rà soát pháp luật, thì vai trò của doanh nghiệp và các địa phương là rất lớn, cần chủ động hơn trong đào tạo nhân lực có ngoại ngữ tốt, tính kỷ luật và tự giác trong công việc…

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tất cả các đối tác kinh tế lớn trên thế giới, Việt Nam đã có quan hệ. Các hiệp định thương mại tự do mở ra như một đại lộ thênh thang, đưa Việt Nam ra với thế giới. Nhưng khâu chuẩn bị như thế nào mới là quan trọng. Chúng ta phải có một chiếc xe chạy tốt trên đó. Điều này không dễ dàng.

Về cơ bản, Phó Thủ tướng nhận định các mục tiêu lớn khi hội nhập chúng ta đã đạt được như cân đối ngân sách, nhiều doanh nghiệp cũng đã có bước chuyển mình vươn ra nước ngoài. Nhưng rõ ràng bước chuẩn bị của Việt Nam là chưa như mong muốn.

Mục tiêu là việc chuẩn bị và thực thi nó phải tương xứng với những gì trên bàn đàm phán để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, trước hết là về đàm phán các hiệp định thì Ban chỉ đạo hội nhập quốc tế về kinh tế chủ động tham mưu cho trưởng ban để xác định các đối tác cần đàm phán và có báo cáo riêng cho Chính phủ. Lấy lợi ích quốc gia làm trên hết, vấn đề nào thấy không có nhiều lợi ích thì cần tham mưu.

Riêng với các hiệp định như TPP và EU, Ban chỉ đạo tham mưu đề xuất tiến trình phê duyệt cho phù hợp; có báo cáo độc lập, kiến nghị thể chế cần sửa đổi, bổ sung gì.

Ngoài ra, phải có đánh giá tổng quan về việc thực thi các FTA của Việt Nam một cách sâu sắc, đầy đủ; trong đó, điểm lại về các cam kết, chuẩn bị của chúng ta đến đâu, việc thích ứng của các bộ ngành, ngành hàng, sản phẩm.

Và từ đó, đề xuất những kiến nghị giải pháp. Ban chỉ đạo phải có báo cáo tổng thể và có kiến nghị về mặt chính sách; Có thể mời nhóm chuyên gia tư vấn để làm vấn đề này.

Cùng với ASEAN, Việt Nam đã ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAN-Trung Quốc; Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Hàn Quốc; Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản; Hiệp định khung về đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Ấn Độ và Hiệp định FTA song phương Việt Nam – Chi lê…

Trong năm 2015, Việt Nam đã kết thúc đàm phán nhiều FTA quan trọng như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu, FTA Việt Nam – EU và FTA Việt Nam – Hàn Quốc.

Để hội nhập, Việt Nam đã có bước tiến lớn trong việc ban hành và sửa đổi hệ thống pháp luật cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Các thay đổi này giúp cho môi trường kinh doanh thông thoáng minh bạch, đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư.

Đó là điều kiện bắt buộc và cũng là yêu cầu cấp thiết của tiến trình hội nhập kinh tế và tham gia vào sân chơi quốc tế của Việt Nam…/.

>>> Nâng “chất” và giá trị cho gạo Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục