Độc đáo chợ phiên của người Mông ở Đắk Som, Đắk Nông

21:59' - 07/02/2016
BNEWS Làng của đồng bào Mông ở xã Đắk Som, tỉnh Đắk Nông, là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch với hình ảnh những rẫy cà phê bạt ngàn nở hoa trắng như tuyết vào những ngày giáp Tết.
Làng của đồng bào Mông ở xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông nằm cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa khoảng 40 km. Nhiều năm nay, đây là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch với hình ảnh những rẫy cà phê bạt ngàn nở hoa trắng như tuyết vào những ngày giáp Tết. 

Từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào miền đất Tây Nguyên Đắk Nông từ năm 2000, đến nay hầu hết các gia đình đồng bào Mông ở Đắk Som đều đã có cuộc sống ổn định, nhiều hộ vươn lên khá giả. Việc gìn giữ các nét đẹp, đặc trưng của văn hóa truyền thống góp phần giúp làng Mông ở Đắk Som tạo nên điểm nhấn độc đáo trong nền văn hóa đa dạng của hơn 40 dân tộc anh em tỉnh Đắk Nông. 

Hàng tuần, người Mông ở Đắk Som đều tổ chức chợ phiên vào chủ nhật. Giáp Tết, chợ của đồng bào Mông lại càng nhộn nhịp, sôi động. Bên cạnh việc mua bán các vật dụng sinh hoạt trong gia đình, các công cụ để làm nương rẫy, những người đàn ông dân tộc Mông đến chợ còn để thưởng thức món thắng cố, nhâm nhi vài ly rượu trong tiết trời se lạnh của Tây Nguyên những ngày giáp Tết. Hình ảnh ấn tượng nhất tại phiên chợ chính là các cô gái Mông trong bộ trang phục truyền thống sặc sỡ được thêu, may với những họa tiết, hoa văn tinh xảo, bắt mắt. 

Chị Nhung, một phụ nữ Mông ngụ tại thôn 1, xã Đắk Som cho biết, gia đình chị vào Đắk Nông từ năm 2000. Quê chị ở Cao Bằng. Sau nhiều năm gắn bó với miền đất mới và được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình chị đã có cuộc sống ổn định với hơn 1 ha cà phê. Chị Nhung cho biết hầu như tuần nào chị cũng ra tham dự chợ phiên. Một phần vì chị muốn mua bán, trao đổi các mặt hàng thiết yếu hàng ngày, phần vì chị thích cái không khí ở chợ, nhất là những ngày giáp Tết, đi chợ phiên chị Nhung mua được váy áo đẹp, lại được gặp gỡ bạn bè thân quen. 

Phụ nữ người Mông thường tự dệt vải, may, thêu trang phục mặc hàng ngày lẫn trang phục cho các lễ hội truyền thống, từ váy, áo, yếm lưng, thắt lưng, khăn quấn, mũ đội đầu, xà cạp quấn chân... Người Mông quan niệm trang phục và nghề dệt, may, thêu trang phục đều là của cải cần được bảo tồn và gìn giữ. Khi đến vùng đất mới giữa đại ngàn Tây Nguyên, nhiều phụ nữ Mông tiếp tục gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của dân tộc. Gần đây, nhiều hộ đã phát triển nghề truyền thống và đã "ăn nên làm ra" từ nghề. Hiện, làng người Mông ở Đắk Som có khoảng 10 hộ đang làm nghề may thêu trang phục. 

Gia đình chị Vàng Thị Dính (48 tuổi) là một hộ chuyên dệt, may, thêu các trang phục truyền thống của đồng bào Mông. Chị cho biết, gia đình chị vừa bán ra thị trường các sản phẩm để sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày và cả các trang phục lễ hội. Trang phục sinh hoạt hàng ngày chủ yếu được may bằng vải công nghiệp, bán với giá khoảng 300.000 - 400.000 đồng/sản phẩm; còn trang phục lễ hội được làm hoàn toàn thủ công, từ khâu dệt, may, thêu… nên giá thành cao gấp từ 7 – 8 lần trang phục sinh hoạt hàng ngày. Chị Dính cho biết, dịp Noel và cận Tết Nguyên đán chị bán được nhiều hàng nhất. Trang phục truyền thống dù đắt tiền nhưng vẫn có nhiều người mua. 

Xã Đắk Som hiện có gần 1.500 hộ dân; trong đó, có khoảng 500 hộ dân tộc Mông. Từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, từ việc cấp đất ở, đất sản xuất, đến cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình, cuộc sống của đồng bào ngày càng được cải thiện và nâng cao. Hầu hết các gia đình người Mông đã mua sắm được các trang thiết bị thiết yếu cho sản xuất và sinh hoạt hàng ngày như xe máy, tivi, máy cày, máy xới… Đồng bào cũng tích cực bảo tồn những phong tục, tập quán đẹp của dân tộc mình và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục