Doanh nghiệp cần niềm tin dài hạn để đầu tư phát triển

17:04' - 30/05/2016
BNEWS Báo cáo Khát vọng Việt Nam 2035 hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ. Theo đó, có 6 chuyển đổi cần phải làm ngay để hiện thực hóa khát vọng.
Hội thảo Khát vọng Việt Nam 2035. Ảnh:Nguyên Đức

"Doanh nghiệp cần niềm tin dài hạn để đầu tư phát triển" - đó là thông điệp được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035: Vai trò của doanh nghiệp và yêu cầu hiện đại hóa thể chế” tổ chức ngày 30/5 tại Hà Nội.

Báo cáo Việt Nam 2035 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Thế giới cùng thực hiện và vừa được công bố mới đây. Theo đó, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là WB đều ghi nhận Việt Nam là một câu chuyện thành công của thế giới về tăng trưởng nhanh, toàn diện, mang lại thịnh vượng và đạt được thành tựu giảm nghèo ấn tượng.

Tuy nhiên, so với khu vực và thế giới thì Việt Nam vẫn đang có khoảng cách khá xa ở phía sau và còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Trí tuệ và năng suất là thách thức lớn của nền kinh tế. Đô thị hóa còn kém, hiệu quả và tăng trưởng kinh tế chưa bền vững về môi trường...

Báo cáo Khát vọng Việt Nam 2035 hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ. Theo đó, có 6 chuyển đổi cần phải làm ngay để hiện thực hóa khát vọng.

Cụ thể là hiện đại hóa nền kinh tế, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân; phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm; nâng cao hiệu quả của quá trình đô thị hóa, tăng cường kết nối giữa các thành phố và vùng phụ cận.

Bên cạnh đó, phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế cùng với sự phát triển của xã hội trung lưu; xây dựng một Nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao...

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: “Không có cách gì khác là kéo Việt Nam về một thị trường cạnh tranh, cần là một thị trường cạnh tranh, minh bạch, dân chủ hơn nữa”.

Ông Cung nhấn mạnh: muốn thế Nhà nước phải minh bạch hơn, có trách nhiệm giải trình. Rõ ràng vai trò của Nhà nước từ Quốc hội, Chính phủ đến công chức Nhà nước phải thay đổi.
Đại diện tiếng nói của doanh nghiệp, ông Lộc bày tỏ tin tưởng, với Báo cáo Khát vọng Việt Nam 2035, đây là lần đầu tiên có một tầm nhìn quan trọng với sự phát triển của doanh nghiệp, không phải là ngắn hạn mà là một tầm nhìn dài hạn để doanh nghiệp yên tâm định hướng vào lĩnh vực kinh doanh của mình.

“Để chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp thì thể chế rất quan trọng. Thể chế nào thì doanh nghiệp đó, nhưng doanh nghiệp cũng còn là động lực để thay đổi thể chế. Thể chế góp phần giải phóng doanh nghiệp và ngược lại doanh nghiệp góp phần thay đổi thể chế”, ông Lộc cho biết.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho biết, quyết định thành công hay không trong quá trình cải cách thể chế chính là chủ thể doanh nghiệp. Từ nay đến năm 2035, doanh nghiệp cần hiểu rằng doanh nghiệp đang thực sự ra "biển lớn", thực sự hội nhập mà quá trình hội nhập là không thể cưỡng lại.

Do đó, những người chủ doanh nghiệp phải nâng cao trình độ, bởi nhiều doanh nghiệp không phát triển được là do nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của hội nhập.

“Phải bỏ đi những thói quen trước đây như "nước đến chân mới nhảy"; làm hàng nhái, hàng giả; “quan hệ” với cơ quan chính quyền để đạt được hiệu quả trong công việc…” - ông Đoàn phân tích.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần thực sự quan tâm đến thị trường xuất khẩu, đặc biệt đối với lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như chế biến thủy sản, dệt may, điện tử… Đó còn là giải pháp kết hợp giữa doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hay liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài để cộng gộp sức mạnh cạnh tranh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục