Doanh nghiệp có trách nhiệm gì trong kiểm soát ô nhiễm môi trường?

13:50' - 28/04/2017
BNEWS Còn không ít doanh nghiệp thiếu quan tâm và ngần ngại tiếp cận hoặc thờ ơ với những khóa học về các giải pháp và công nghệ để kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Hội thảo Quản lý môi trường theo pháp luật và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN
Ngày 28/4 tại Hà Nội, Viện nghiên cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ (Risme) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng tổ chức hội thảo "Kiểm soát ô nhiễm và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam - Vai trò của công nghệ xử lý nước thải".
Sự kiện được tổ chức nhằm trao đổi về những thách thức và cơ hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong việc thực thi pháp luật bảo vệ môi trường; thảo luận các giải pháp về chính sách và công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam nhằm nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
Khai mạc hội thảo, ông Phạm Thế Hưng, Viện Nghiên cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu lớn về việc tiếp cận thông tin quản lý môi trường; cũng như cách tiếp cận và phương pháp hay hình thức để tham gia các chương trình đào tạo quản lý môi trường theo pháp luật.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngoài việc tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao kiến thức thì các tổ chức xã hội, các viện nghiên cứu cần có những phương thức hỗ trợ khác, làm sao đảm bảo đủ sức lôi cuốn sự quan tâm và tham gia của doanh nghiệp.
Trên thực tế, rào cản đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tuân thủ pháp luật môi trường là do chưa có nhận thức đầy đủ về tuân thủ pháp luật môi trường; lại thêm nguồn vốn hạn chế, trình độ nhân lực còn thiếu chuyên môn, công nghệ thì lạc hậu...
Thêm nữa, lại thiếu các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước và các quy định pháp luật trong lĩnh vực này cũng thay đổi thường xuyên, liên tục cản trở việc thực thi và tuân thủ pháp luật môi trường của doanh nghiệp. Chính vì lẽ đó, cộng đồng doanhh nghiệp vừa và nhỏ luôn phải đối mặt với những rủi ro như bị phạt vì vi phạm quy định pháp luật môi trường; bị giảm lợi nhuận hoặc bị đình chỉ hoạt động và phá sản.
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc, Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) nhận định, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường là hết sức quan trọng và cần thiết, kể cả là đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ hay siêu nhỏ.
Tuy nhiên, hiểu biết pháp luật về bảo vệ môi trường của đa số doanh nghiệp hiện nay còn rất hạn chế với nhiều nguyên nhân khác nhau. Đa phần là do thiếu thông tin, thiếu kiến thức và không được tập huấn, đào tạo về vấn đề này.
Tuy nhiên, cũng không ít doanh nghiệp thiếu quan tâm và ngần ngại tiếp cận hoặc thờ ơ với những khóa học về các giải pháp và công nghệ để kiểm soát ô nhiễm, cho dù những khóa học đó được tổ chức miễn phí và được mời mọc, ưu đãi tham gia. So với những chương trình phổ biến kiến thức về thuế, về thủ tục hải quan... thì doanh nghiệp quan tâm hơn rất nhiều.
Điều đó phản ảnh thực trạng gây ô nhiễm môi trường vì sao mãi không thể khắc phục và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp quy mô nhỏ mãi không thể được cải thiện.
Qua các công trình khảo sát của CECR, bà Đinh Thu Hằng, đại diện dự án cho biết, các doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Vinamilk, Dow, Pepsico... có ý thức tuân thủ tốt và thực hiện nhiều biện pháp như tiết kiệm năng lượng, tái chế chất thải và xử lý nước thải.
Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ vẫn mong muốn tuân thủ pháp luật môi trường nhưng gặp phải nhiều rào cản hạn chế quá trình thực thi như về tài chính, về nhân lực và về chính sách...
Do đó, các chương trình đào tạo doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội và quản lý môi trường theo pháp luật cần làm rõ được những lợi ích mà doanh nghiệp thu được nếu tuân thủ tốt pháp luật môi trường cũng như trách nhiệm xã hội của mình, bà Hằng nhấn mạnh.
Ví dụ như: lợi ích về tổ chức thì sẽ giúp nâng cao chất lượng các thủ tục nội bộ, thông tin và quản lý; lợi ích về môi trường thì sẽ giúp cải thiện các hoạt động sản xuất, tăng hiệu suất sử dụng năng lượng và vật liệu, tái chế hay giảm ô nhiễm... đồng thời tiết kiệm được chi phí vật liệu, đầu tư, nâng cao được hình ảnh của doanh nghiệp và mang lại nhiều cơ hội kinh doanh hơn...
Đó có thể là điều đầu tiên và cơ bản, giúp các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn tới việc nắm bắt thông tin và tham gia các khóa học tập huấn về pháp luật môi trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục