Doanh nghiệp dệt may đối diện sức ép cạnh tranh đơn hàng

19:19' - 21/07/2016
BNEWS Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều khả năng xuất khẩu toàn ngành năm nay có khả năng chỉ đạt 29 tỷ USD, giảm 2 tỷ USD so với kế hoạch đề ra.
Doanh nghiệp dệt may đối diện sức ép cạnh tranh đơn hàng. Ảnh minh họa:TTXVN

Tại buổi họp báo “Đánh gía tình hình ngành dệt may 6 tháng đầu năm; những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và các giải pháp tháo gỡ” ngày 21/7 tổ chức ở Hà Nội, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, hiện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang gặp khó khăn do phải đối mặt với sức ép cạnh tranh về đơn hàng, sức tiêu thụ tại các thị trường giảm.

Theo Vitas, tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may trong 6 tháng đầu năm nay chủ yếu do sự đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi các doanh nghiệp dệt may nội địa đang gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng mới, đặc biệt là các đơn hàng sơ mi, quần, áo jacket.

Việc thiếu đơn hàng trước mắt các doanh nghiệp vẫn có thể khắc phục được, nhưng từ tháng 8/2016 trở đi sẽ “đuối”, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện sản xuất khó khăn.

Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều khả năng xuất khẩu toàn ngành năm nay có khả năng chỉ đạt 29 tỷ USD, giảm 2 tỷ USD so với kế hoạch đề ra.

Ông Trương Văn Cẩm cho biết, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp dệt may khó khăn là chính sách ổn định tỷ giá của Việt Nam so với đồng USD, trong khi nhiều nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Ấn Độ, Bangladesh, các nước ASEAN, Trung Quốc đã giảm giá đồng tiền của họ gấp nhiều lần biên độ giảm giá của đồng Việt Nam.

Việc này đã làm hàng hóa Việt Nam giảm khả năng cạnh tranh và có giá cao hơn 10% so với các nước khác. Hơn nữa lãi suất cho vay ngân hàng đang ở mức cao từ 8 - 10%/năm đã làm tăng chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt, tiền lương tối thiểu liên tục tăng, chỉ tính từ giai đoạn 2008 - 2016 mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp trong nước đã tăng bình quân 26,4%/năm, đối với doanh nghiệp FDI tăng 18,1%/năm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng trong giai đoạn này tăng bình quân 10,7%, năng suất lao động tăng 3,9%, đã làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc tăng lương tối thiếu sẽ đi đôi với tăng đóng các khoản bảo hiểm, phí công đoàn và ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và số đông người lao động.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Vitas đã kiến nghị Nhà nước không tăng lương tối thiểu vào năm 2017 và chỉ nên tăng 2 – 3 năm 1 lần để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, đủ sức cạnh tranh để phát triển. Đồng thời, không dùng lương tối thiểu làm căn cứ xây dựng mức lương khởi điểm (bậc 1) trong hệ thống thang, bảng lương.

Vì như vậy, nền đóng các khoản bảo hiểm và kinh phí công đoàn sẽ tăng theo. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt về đơn hàng, giá bán không tăng, việc tăng lương tối thiểu buộc doanh nghiệp phải giảm các khoản lương mềm, phúc lợi, trợ cấp khác để bù vào các khoản trích nộp tăng.

Do đó phần đông người lao động không những không được tăng lương mà còn phải giảm thu nhập do bản thân họ cũng phải đóng bảo hiểm tăng thêm, do giá tiêu dùng tăng và do doanh nghiệp khó khăn ngừng kế hoạch tăng lương thường xuyên cho người lao động. Bên cạnh đó, đề nghị Nhà nước điều chỉnh tỷ giá linh hoạt theo thị trường thế giới .

Theo Vitas, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 12,6 tỷ USD, tăng 4,72% so với cùng kỳ năm 2015 và bằng 41% kế hoạch xuất khẩu của cả năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục