Doanh nghiệp siêu nhỏ đang phải khai nộp thuế như doanh nghiệp lớn

18:16' - 23/10/2015
BNEWS Các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ hay siêu nhỏ thực hiện việc khai thuế, nộp thuế, báo cáo với cơ quan thuế giống như các doanh nghiệp có quy mô lớn đang gây tốn kém về chi phí hoạt động.
Hội thảo cải cách thủ tục hành chính về thuế và kế toán. Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews.

Tại hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính về thuế và kế toán - đánh giá của doanh nghiệp siêu nhỏ và vừa Việt Nam” Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) và Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức, các chuyên gia cho rằng còn nhiều bất cập trong cải cách thủ tục thuế và kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo các chuyên gia, với những quy định về chính sách thuế và quản lý thuế như hiện nay thì các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ hay siêu nhỏ cũng sẽ thực hiện việc khai thuế, nộp thuế, báo cáo với cơ quan thuế giống như các doanh nghiệp có quy mô lớn.

Điều này làm cho gánh nặng tuân thủ thuế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam thường ở mức cao so với các nước trên thế giới.
Các diễn giả tại hội thảo cho biết, có nhiều vướng mắc bất cập về chế độ kế toán. Chẳng hạn, thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hiện phải duy trì một hệ thống sổ sách kế toán, báo cáo tài chính tương đối phức tạp so với quy mô và tính chất hoạt động. Các báo cáo tài chính được lập không thực chất mà chỉ nhằm để “đối phó” với các cơ quan thuế…
“Việc thuê người làm kế toán/kế toán trưởng hoặc thuê các công ty dịch vụ kế toán cũng tiêu tốn chi phí khá lớn của doanh nghiệp. Do vậy, để tiết kiệm chi phí, các nhân viên này thường phải đảm nhiệm thêm nhiều vị trí khác nhau trong công ty (kế toán, thủ quỹ, thủ kho, mua bán vật tư…).

Việc kiêm nhiều công việc khác nhau của nhân viên kế toán trong các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ như hiện nay là vi phạm luật định”. - Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thắng, Phó trưởng Khoa Kế toán - Kiểm toán (Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh) bình luận.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thắng, Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh phát biểu tại hội thảo.

Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, để tiết kiệm chi phí, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường thuê nhân viên kế toán kiêm các vị trí khác nhau dẫn đến thiếu chuyên nghiệp, chồng chéo.
Bà Cúc đặt vấn đề, tại sao các nước trong khu vực có số giờ nộp thuế rất thấp mà Nhà nước vẫn quản lý được, trong khi Việt Nam đã tích cực rà soát hoàn thiện văn bản pháp luật về thuế, cắt giảm thủ tục, số giờ tuân thủ nhưng thời gian nộp thuế còn khá cao.

Theo bà Cúc, đó là do hầu hết các nước đều có chính sách thuế riêng cho doanh nghiệp nhỏ với đặc trưng là đơn giản dễ quản lý, dễ thu và dễ tuân thủ. Vì vây, để giải quyết vấn đề này, điều quan trọng của cơ quan thuế là nắm bắt được doanh thu của những hộ kinh doanh như của họ nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý chứ không phải kết nối họ.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế VCCI cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ đang "mặc áo quá rộng" so với các quy định về thủ tục hành chính. Trong đó, nhiều quy định của Việt Nam về kế toán không khả thi với doanh nghiệp nhỏ dẫn đến việc tuân thủ đúng gây tốn kém và doanh nghiệp khó tồn tại.

Do vậy, về cơ bản họ không tuân thủ đúng quy định và điều này đã tạo ra những rủi ro lớn. Điều đáng lo ngại là các quy định này đang ảnh hưởng đến 50% doanh nghiệp hoạt động chính thức hiện nay.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, cả nước hiện có trên 90% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa; gần 42% doanh nghiệp trong số đó có mức doanh thu nộp thuế giá trị gia tăng đến ngưỡng 1 tỷ đồng/năm.

Phần lớn các doanh nghiệp này hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty gia đình… hoạt động kinh doanh đơn giản (doanh nghiệp siêu nhỏ), với đặc trưng là vốn ít, số thu ngân sách nhà nước trên một đơn vị doanh nghiệp thấp.

Việc tổ chức bộ máy và quản trị doanh nghiệp đơn giản, việc ghi chép các nghiệp vụ kinh tế phát sinh cũng ở mức độ hạn chế./.

Thạch Huê

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục