Doanh nghiệp Việt phải làm gì để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?

19:18' - 19/10/2017
BNEWS Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh thay đổi, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng nhân lực.

 Đây là vấn đề được nêu ra tại Hội thảo công nghiệp phụ trợ lần thứ hai năm 2017 do Bộ Công Thương phối hợp với Công ty Samsung Việt Nam tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19/10.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, để đáp ứng tiêu chí tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn về quy trình và hiệu quả sản xuất. Ảnh minh họa: Danh Lam-TTXVN

Chia sẻ về quá trình cải tiến công nghệ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thắng Sơn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, cho biết để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, Minh Nguyên đã tích cực thực hiện chương trình cải tiến kỹ thuật, trong đó tập trung vào việc thiết lập tiêu chuẩn quản lý thiết bị, nâng cao năng suất thiết bị và hạn chế lãng phí trong các công đoạn sản xuất.
Với chương trình cải tiến này, Minh Nguyên đã tăng hiệu suất sản xuất, giảm thời gian tồn kho, đồng thời, doanh thu của Minh Nguyên tăng 14 lần so với trước đây. Với những nỗ lực đó, Minh Nguyên đã trở thành doanh nghiệp cung ứng trực tiếp cho Samsung tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Tương tự, ông Đỗ Ngọc Thịnh, Giám đốc Công ty sản xuất dịch vụ thương mại Tiến Thịnh cho biết, Tiến Thịnh đang nỗ lực cải tiến công nghệ để trở thành một trong những công ty hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, Tiến Thịnh đã thực hiện 110 cải tiến và đều thành công, góp phần giảm phế phẩm, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu hằng năm đạt 150.000 USD.

Đặc biệt, từ khi thực hiện cải tiến đến nay đã giảm sản phẩm tồn kho với chi phí 600.000 USD. Nhờ đó, Tiến Thịnh hiện đã trở thành một trong những doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung.
Nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp nội, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chuỗi cung ứng nội địa được xác định là nền tảng để thu hút và giữ chân nhà đầu tư nước ngoài.

Chính vì vậy, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục điều chỉnh quy hoạch và cơ chế hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu phát triển chuỗi cung ứng nội địa cho các doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói chung. Hiện khu vực doanh nghiệp chuỗi cung ứng cho nhà đầu tư nước ngoài được mở rộng lên đến 15 ha.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để đáp ứng tiêu chí tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn về quy trình và hiệu quả sản xuất.

Theo đó, doanh nghiệp phải giảm thời gian sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và tỷ lệ hàng lỗi phải giảm xuống còn dưới 1%. Thời gian lưu kho cho sản phẩm cũng phải giảm và phải đảm bảo yếu tố giao hàng đúng thời gian.
Đại diện Công ty cơ khí Duy Khanh cho rằng, những yếu tố quy trình, năng suất sản xuất đều có thể khắc phục nhưng giao hàng đúng giờ trong bối cảnh tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng tại Tp. Hồ Chí Minh là vấn đề khó khăn.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư về Khu công nghệ cao thành phố để thuận lợi hơn trong việc cải thiện năng lực sản xuất, rút ngắn thời gian giao hàng, từng bước đạt tiêu chí trở thành nhà cung ứng toàn cầu.
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam đưa ra, ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp trực tiếp, Samsung đã cử các chuyên gia Hàn Quốc và đưa ra chương trình cải tiến cụ thể phù hợp với doanh nghiệp và theo sát doanh nghiệp trong việc thực hiện.

Nếu thực hiện đạt được các tiêu chí cải tiến, Samsung sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp được tham gia vào chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, Samsung cũng hỗ trợ để các doanh nghiệp thay đổi văn hóa doanh nghiệp theo hướng tích cực, thay đổi ý thức của người quản lý doanh nghiệp, mở ra những cơ hội để doanh nghiệp có nhận thức phấn đấu trở thành doanh nghiệp hàng đầu.
Ông Trần Quang Hà, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh mẽ, bền vững, đáp ứng nhu cầu trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và thế giới, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp đối tác toàn cầu.

Song song đó, Bộ Công Thương cũng đã và đang hỗ trợ chặt chẽ với các tập đoàn sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam để kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn này.
Theo ông Trần Quang Hà, các doanh nghiệp cũng phải không ngừng nỗ lực thay đổi, cải tiến dây chuyền công nghệ và nhân lực, tạo nền tảng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam; đồng thời đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Dưới góc độ quản lý của địa phương, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự thay đổi lớn và tranh thủ sự hỗ trợ của các tập đoàn, công ty đa quốc gia cũng như đội ngũ chuyên gia nước ngoài.

Thực tế cho thấy, sự hợp tác giữa doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh với các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung đã đem lại hiệu quả tích cực. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc liên kết, đổi mới để nâng cao chất lượng sản phẩm và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.

>>> Tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu: Khoảng 300 doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục