Doanh nhân Việt: Muốn thành công là không chờ đợi

14:21' - 13/10/2016
BNEWS Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có sự chuyển biến rõ nét. Chia sẻ thành công, họ đều có chung quan điểm là muốn đứng vững phải tự lực, tự cường; muốn thành công là không chờ đợi.
Doanh nhân Việt: Muốn thành công là không chờ đợi.Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để trợ lực và nâng sức cho doanh nghiệp. Có thể kể tới Nghị quyết 19/NQ-CP, mỗi năm đều được duy trì và điều chỉnh, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp.

Theo đó, ưu tiên hàng đầu là cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi cả cho doanh nghiệp và người dân trong nhiều hoạt động phát triển kinh tế. Hay như Nghị quyết 35/2016/NQ-CP, với chủ trương hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phấn đấu thực hiện mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp tới năm 2020.

Chật vật với nhiều nỗ lực tái cấu trúc để tồn tại, rất nhiều doanh nghiệp đã có sự bứt phá ngoạn mục để không chỉ ổn định sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có lãi, mà còn phát triển, tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất.

Khu vực kinh tế tư nhân được ghi nhận là có sự chuyển biến rõ nét nhất, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lực lượng chiếm tới 96% tổng số doanh nghiệp trên cả nước hiện nay. Đa phần trong số họ đều có chung quan điểm và phương châm hoạt động là muốn đứng vững phải tự lực, tự cường; muốn thành công là không chờ đợi.

Ông Vương Hữu Mẫn, Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, với rất nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương nên môi trường kinh doanh, những áp lực về thủ tục hành chính đã và đang được cải thiện đáng kể.

Doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với đất đai, điện năng, xin cấp phép hoạt động và nhiều thủ tục khác có liên quan. Rất nhiều hộ kinh doanh đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình và thành lập doanh nghiệp.

Danh sách đăng ký thuê đất hoặc mở rộng quy mô nhà xưởng trong khu công nghiệp ngày càng nhiều. Ngay như Hiệp Phước cũng dự kiến xin cấp đất để mở rộng diện tích khu công nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh trên địa bàn.

Là một trong những doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng, ông Lê Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đà Nẵng miền Trung (DMT) nhận định, nói doanh nghiệp đã vượt qua mọi khó khăn thì chưa đúng, nhưng khó khăn không khiến doanh nghiệp chùn bước vì bên cạnh doanh nghiệp luôn có sự ủng hộ, song hành của lãnh đạo chính quyền địa phương, sự hỗ trợ và tạo điều kiện của các sở, ngành; cũng như sự chung tay gánh vác trách nhiệm của các đơn vị, các doanh nghiệp có liên quan trong cùng chuỗi sản xuất.

Phải kể tới, công tác giải phóng mặt bằng của nhiều công trình, dự án mà DMT đang triển khai, nếu không có sự hậu thuẫn của các cấp chính quyền cơ sở đã cùng doanh nghiệp đàm phán, thuyết phục và giải quyết mọi tranh chấp, khiếu nại một cách hợp lý, mềm mỏng, linh hoạt…chắc chắn sẽ khó đảm bảo tiến độ cam kết.

Không những thế, giải pháp hỗ trợ tín dụng đầu tư cũng rất hữu ích đối với doanh nghiệp, ông Hải nhấn mạnh.

Là doanh nghiệp uy tín nên trong nhiều trường hợp, phía các ngân hàng thương mại luôn tạo điều kiện cho vay tín dụng đối với các công trình, dự án của DMT, thậm chí kể cả với các nhà thầu, các đối tác của DMT. Điều đó đóng góp to lớn vào thành công của DMT ngày hôm nay và cũng giúp tạo dựng thương hiệu DMT trên thị trường xây dựng.

Doanh nghiệp không chỉ “ngồi” chờ cơ chế ưu đãi để thành công.Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Nói vậy, không có nghĩa là doanh nghiệp chỉ “ngồi” chờ cơ chế ưu đãi. Thực tế, "nếu không năng động, không chủ động nắm bắt cơ hội khi thời cơ đến thì dù doanh nghiệp được giao cần câu to tới đâu, sẵn mồi ngon tới đâu, mà không thả xuống nước thì cũng sẽ chẳng bao giờ bắt nổi cá", ông Hải ví von.

Từng nhiều phen lận đận với thị trường xuất khẩu và chế biến thủy sản, Công ty TNHH thương mại tổng hợp Phước Tiến đã tìm cách chuyển đổi mô hình hoạt động từ sản xuất, chế biến sang thương mại và dịch vụ.

Tận dụng lợi thế của ngành du lịch, Phước Tiến tăng cường đào tạo, tuyển nhân lực và đầu tư mạnh để quảng bá cho ngành này. Chỉ trong vài năm, Du lịch Phước Tiến đã trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung với lượng khách phục vụ mà bất cứ hãng du lịch nào cũng “thèm muốn”.

Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch, Công ty TNHH TMTH Phước Tiến cho biết, gánh trên vai trách nhiệm và cuộc sống của hàng nghìn lao động nên doanh nghiệp không thể cho phép thoái lui khi thị trường gặp khó khăn.

Từng là doanh nghiệp thủy sản rất lớn tại miền Trung, đầu tư dây chuyền sản xuất tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng gặp lúc khó khăn về nguyên liệu như thời gian qua, doanh nghiệp cũng “đành” hoạt động cầm chừng, duy trì tồn tại. Hiện doanh nghiệp đang phải dần “gỡ vốn” bằng cách thanh lý những tài sản và tư liệu sản xuất để dồn lực và chuyển hướng hoạt động.

Cũng được sự đồng cảm và hỗ trợ của các cấp, ngành địa phương, Phước Tiến đã cơ cấu lại hoạt động, bộ máy nhân sự, sắp xếp lại nguồn nhân lực để bố trí công việc hợp lý cho lao động.

Hiện tại, Phước Tiến đang đầu tư gần 1.000 tỷ đồng cho Khu du lịch sinh thái cao cấp Cồn Bắp tại Hội An. Dự án đang trong giai đoạn thu hút đầu tư và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tương lai gần.

Khi Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang tự đổi mới, thì những doanh nghiệp cũng phải tự thay đổi để phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục