Doanh thu ngành công nghiệp cao su tiếp tục giảm

18:32' - 15/01/2016
BNEWS "Trong năm 2016, giá cao su tiếp tục giảm sâu, dự kiến chỉ đạt khoảng 26 triệu đồng/tấn, giảm hơn 5 triệu đồng/tấn so với năm 2015 nên doanh thu, lợi nhuận của toàn Tập đoàn đều giảm".

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất – kinh doanh năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, được tổ chức ở Tp.Hồ Chí Minh, ngày 15/1.

Theo ông Trần Thoại, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, các ngành chính khác của Tập đoàn đều tăng nhưng chưa bù đắp được mức giảm của sản phẩm mủ cao su, lượng gỗ cao su thanh lý được dự báo tăng nên có khả năng giá gỗ cao su thanh lý sẽ giảm.

Đồng thời, các công ty ngoài ngành sản xuất chính sẽ hoàn tất thoái vốn, làm giảm doanh thu toàn Tập đoàn.

Thu hoạch mủ cao su tại nông trường Bù Gia Mập thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Phú Riềng (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ảnh: TTXVN

"Liên tiếp trong vài năm gần đây, giá cao su thiên nhiên thế giới giảm mạnh đã trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Dù đã nỗ lực hết sức và có các dự báo, phương án ngay từ đầu năm nhưng doanh thu cả năm 2015 của Tập đoàn chỉ đạt 98% kế hoạch. Giá bán cao su bình quân năm 2014 đạt 37,3 triệu/tấn, đến năm 2015 chỉ còn khoảng 30,5 triệu/tấn", ông Thoại cho biết.

Năm 2016, dự kiến doanh thu của Tập đoàn là 17.800 tỷ đồng, tương đương 84% so với thực hiện năm 2015; lợi nhuận dự kiến đạt 2.570 tỷ đồng và nộp ngân sách 1.300 tỷ đồng. Căn cứ vào năng lực vườn cây cao su, Tập đoàn chủ trương giảm sản lượng khai thác để giữ giá, công suất nhà máy và khả năng thị trường được xác định theo từng nhóm ngành hàng.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, với giá bán từ gần 52 triệu đồng/tấn năm 2013, xuống còn hơn 37 triệu/tấn năm 2014 và chỉ còn 30 triệu/tấn năm 2015 trong năm qua cao su Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, việc “thắt lưng buộc bụng” trong toàn Tập đoàn là việc cần phải làm.

Tuy nhiên, Tập đoàn cần tận dụng tối đa thế mạnh của mình với các sản phẩm khác như chế biến gỗ, các sản phẩm sau cao su, thủy điện… Những ngành này có tiềm năng rất lớn và thực tế năm qua đã đem về doanh thu không nhỏ cho Tập đoàn.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng lưu ý Tập đoàn nên tập trung vào các thị trường xuất khẩu có tiềm năng lớn như Nhật Bản. Thị trường này có thể nhập khẩu 200.000 tấn mủ cao su chất lượng trong khi Việt Nam chỉ mới xuất được 700 tấn theo các tiêu chí của họ.

Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc cũng cần được chú trọng khi chiếm hơn 50% tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Tình hình khó khăn này cũng là cơ hội để ngành cao su tập trung vào công nghiệp cao su như chế biến gỗ, gỗ MDF, lốp ô tô, xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư…

Liên quan đến dự án phát triển cao su ở khu vực Tây Bắc, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam rà soát, đánh giá lại dự án này.

“Mặc dù diện tích cao su ở khu vực Tây Bắc không lớn, chỉ có 27.400 ha, chiếm khoảng 7-8% tổng diện tích trồng cao su của toàn Tập đoàn.Tuy nhiên, đây là dự án có ý nghĩa xã hội hết sức to lớn vì Tây Bắc là khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của cả nước. Do đó, Tập đoàn cần rà soát, đánh giá lại kết quả dự án này để có những đề xuất, hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước.”,Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục