Độc đáo tiếng kèn Pí Lè trên đỉnh Công Sơn

12:30' - 08/02/2016
BNEWS Kèn pí lè được người Dao Lù Gang sinh sống trên đỉnh núi Công Sơn, Lạng Sơn coi như báu vật, thường được sử dụng vào dịp lễ hội truyền thống, lễ cúng thần lúa, thần rừng, cầu may, cưới hỏi, lễ Tết…
Độc đáo tiếng kèn Pí Lè trên đỉnh Công Sơn. Ảnh minh họa: dulichlangson

Tại vùng núi Công Sơn và Mẫu Sơn, nơi có độ cao 1.500m so với mực nước biển, âm thanh trầm bổng từ tiếng kèn Pí Lè đã gắn liền với đời sống tâm linh, tinh thần của người Dao Lù Gang từ bao đời nay.

Các loại nhạc cụ của người Dao như chiêng, trống, kèn pí lè đều bắt nguồn từ cuộc sống dân dã gắn liền với thiên nhiên, núi rừng.

Ông Triệu Sáng Lỉ (62 tuổi, người dân xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) đã có hơn 40 năm gắn bó với loại nhạc cụ này cho biết:

"Tôi học thổi kèn Pí Lè từ khi bắt đầu học làm thầy mo, người thầy đi trước thổi như thế nào thì mình tập theo đúng như vậy, phải học đi học lại nhiều lần mới nhớ như in trong đầu. Theo phong tục từ xa xưa truyền lại, kèn pí lè được người dân đem ra thổi nhiều nhất vào 15 ngày đầu năm mới từ mùng 1 tháng Giêng cho tới ngày rằm. Sau những ngày này chỉ khi nhà có việc như ma chay, cưới xin, lễ... mới đem kèn ra dùng, không phải muốn dùng bất cứ lúc nào cũng được".

Kèn pí lè gồm có 3 phần là đầu thổi, thân kèn và loa kèn. Đầu thổi là một ống đồng nhỏ nối liền với thân kèn. Thân kèn làm bằng ống gỗ tròn hình trụ đục rỗng, có chiều dài khoảng 30 - 40cm chia làm 10 đốt, mỗi đốt được dùi lỗ nhỏ hình tròn, tạo thành sự phân chia giữa các gờ.

Trong đó, 7 đốt ở giữa được dùi lỗ nhỏ phía tr ước có thể phát ra âm thanh , khoảng cách bố trí đều nhau tạo thành một hàng dọc. Loa kèn làm bằng lá đồng mỏng, uốn thành h ình chóp cụt, có độ dài độ 10cm, đường kính 12cm, đầu nhỏ của loa nối liền với thân kèn.

Âm thanh của kèn pí lè vang lên lúc khoan thai, lúc dìu dặt, khi thì như tiếng suối chảy, khi lại tựa giọng chim hót. Kĩ thuật quan trọng nhất khi bắt đầu học kèn đó là cách nín hơi, nhả hơi và giữ hơi. Lấy hơi từ đằng mũi, đẩy hơi ra miệng thông qua đầu thổi tác động vào những lỗ nhỏ trên thân kèn.

Ông Triệu Sáng Lỉ cho biết: "Học kèn pí lè rất khó, muốn lấy hơi tốt chúng tôi chặt ống tre, nứa nhỏ cắm xuống chum nước rồi tập thổi qua đó. Phải làm sao cho thổi bong bóng lên đều nhau, 5 phút, 10 phút hay 20 phút cũng không bị đứt hơi thì mới học tiếp được".

Do kĩ thuật thổi kèn phức tạp nên có người chỉ học được nửa chừng đã dừng lại không theo được. Kèn pí lè có thể thổi được 72 giai điệu khác nhau đòi hỏi người học luôn giữ trong lòng niềm đam mê, kiên trì.

Cách truyền dạy theo lối truyền thống người đi trước thực hiện, người đi sau làm theo cho đến bao giờ thuần thục thì mới chuyển qua học các điệu khác.

Những âm thanh dìu dặt, réo rắt, nỉ non, trầm bổng được thực hiện bằng cách phối hợp giữa thổi hơi và các ngón bấm trên thân kèn. Tùy vào nội dung mỗi nghi lễ mà người thổi kèn sử dụng các điệu phù hợp.

Kèn pí lè còn là phương tiện giao duyên giữa trai gái người Dao. Ông Triệu Sáng Sình (người dân xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) tự hào kể về thời còn trai tráng:

"Nghe tiếng kèn của tôi, con gái thích lắm, tiếng kèn ngày cưới vui tươi, rộn rã gồm các điệu đón dâu, ra cửa, đi đường, lạy tổ tiên... có khi thổi cả buổi mà cũng không mệt, ra về được chủ nhà cho một xiên thịt khoảng hơn 1 cân coi như trả công, từ trước đến giờ tôi phải có mấy chục xiên thịt thế rồi".

Thời gian trôi qua, vùng núi Mẫu Sơn được đầu tư phát triển trở thành địa điểm du lịch. Người Dao tại đây vẫn đem bản sắc văn hóa dân tộc mình khoe với du khách. Tiếng pí lè vẫn vang lên nhưng đã thưa vắng hơn trước. Người Dao còn biết thổi kèn hiện nay còn rất ít, chủ yếu là những người đã có tuổi.

Để làm chủ được loại nhạc cụ này thì không phải ai cũng kiên trì đến cùng. Ông Triệu Sáng Sình chia sẻ tâm tư: "Ngày xưa kèn Pí Lè còn phổ biến nhiều người biết dùng. Nhưng bây giờ lớp trẻ hiếm tìm được người đam mê học kèn, chúng tôi già rồi muốn truyền dạy cũng không có ai theo học".

Bà Hoàng Minh Dung, Trưởng phòng văn hóa huyện Cao Lộc cho biết: Kèn pí lè là nhạc cụ văn hóa truyền thống của người Dao rất cần được lưu giữ và kế thừa bởi đó là di sản phi vật thể của dân tộc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục