Đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông đảm bảo định hướng mở

10:56' - 23/05/2018
BNEWS Xây dựng hệ thống giáo dục mở là một trong hai vấn đề cơ bản và lớn nhất, có giá trị cốt lõi trong Nghị quyết 29 về “đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục nước nhà.
Đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông đảm bảo định hướng mở. Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh/TTXVN

Trong đó, mục tiêu là xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập. Chính vì vậy, giáo dục phổ thông cũng cần đổi mới theo định hướng mở.

* Trao quyền chủ động cho giáo viên – học sinh

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được xây dựng theo hướng mở, thể hiện ở một số nội dung như chương trình bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc. Chương trình mới trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục, triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng, điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng chia sẻ: Chương trình chỉ quy định nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt như phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, phương pháp đánh giá kết quả giáo dục. Chương trình không quy định quá chi tiết nhằm tạo điều kiện cho tác giả viết sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ mở cho người học tự chọn một số môn học như: Chọn môn Ngoại ngữ 2 từ lớp 6; chọn 5/9 môn học lựa chọn từ lớp 10; chọn môn thể thao phù hợp từ lớp 1; chọn học phần Công nghệ, Tin học từ lớp 6; chọn học phần Mĩ thuật từ lớp 10…

Không chỉ mở cho người học, chương trình cũng mở cho các địa phương, cơ sở giáo dục, UBND cấp tỉnh tổ chức biên soạn, bổ sung nội dung giáo dục của địa phương vào chương trình. Bởi mỗi địa phương có đặc điểm khác nhau về lịch sử, địa lý, dân cư, điều kiện, nhu cầu phát triển... Cơ sở giáo dục được chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch giáo dục, sách giáo khoa phù hợp với điều kiện cụ thể về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đối tượng học sinh...

Giáo viên có quyền đề xuất chọn sách giáo khoa; chủ động phân bổ thời lượng dạy học; chủ động áp dụng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Người viết sách giáo khoa cũng được chủ động lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học, tư liệu và thiết bị dạy học cụ thể. Vì vị trí của sách giáo khoa đã thay đổi, trước được coi là “pháp lệnh” thì nay là tài liệu chính thức để dạy học; số lượng sách giáo khoa không chỉ có một bộ mà sẽ có nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Lý giải vì sao phải mở cho giáo viên? Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Mọi công việc đều cần được giải quyết phù hợp với tình huống thực tế. Bên cạnh đó, giáo dục con người là làm công việc của “kỹ sư tâm hồn”, càng không thể “điều khiển từ xa”. Vì vậy, giáo viên được trao quyền chủ động mới có thể sáng tạo và có động lực đổi mới.

Ông Hoàng Tiến Chính, Trường Đại học Bạc Liêu nhận định: Điểm mới then chốt của chương trình giáo dục phổ thông lần này là tiếp cận theo định hướng năng lực. Cách tiếp cận này tác động đến mọi yếu tố của quá trình dạy học. Ví dụ, chương trình ngữ văn mới lần này đã chọn hệ thống học liệu mở, góp phần cùng các yếu tố khác trong dạy học Ngữ văn sao cho đạt hiệu quả phát triển năng lực cho học sinh.

Mô hình giáo dục mở vẫn là vấn đề khá mới mẻ ở các trường phổ thông nước ta hiện nay. Ảnh minh họa: An Hiếu/TTXVN

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: Trong nền giáo dục mở rất cần thiết thực hiện một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa. Thậm chí còn phải tiếp tục thực hiện một chương trình quốc gia với phần nội dung “cứng”, bắt buộc trong giới hạn nhất định, kèm theo đó là các chương trình khác nhau ở cấp địa phương với phần nội dung “mềm” phù hợp với điều kiện cụ thể. Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là cách làm mở, tạo điều kiện cho ra đời các bộ sách có chất lượng tốt hơn phục vụ giảng dạy và học tập.

* Cần thiết phát triển hệ thống giáo dục phổ thông mở

Theo Thạc sỹ Đặng Danh Hướng, Trường Trung học Phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội): Việc phát triển hệ thống giáo dục phổ thông theo định hướng mở ở Việt Nam trong thời gian tới là thực sự cần thiết. Mô hình giáo dục mở giúp giáo viên được trang bị năng lực phát triển chương trình, xây dựng kế hoạch dạy học, năng lực tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá, quản lý chuyên môn trong nhà trường. Học sinh được phát triển các phẩm chất, năng lực, tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành phương pháp học tập, hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng ở bậc phổ thông.

Mô hình giáo dục mở góp phần tháo gỡ rào cản để tăng quyền tiếp cận giáo dục cho mọi người. Hệ thống giáo dục mở tạo ra cơ hội phát triển chương trình giáo dục, tạo cơ hội học tập phù hợp cho mọi đối tượng có nhu cầu, không phân biệt lứa tuổi, trình độ học vấn và nghề nghiệp, địa vị xã hội, giới tính.

Tuy nhiên, mô hình giáo dục mở vẫn là vấn đề khá mới mẻ ở các trường phổ thông nước ta hiện nay. Mô hình giáo dục mở bậc phổ thông tại Việt Nam hiện nay đóng vai trò thứ yếu so với giáo dục truyền thống, chưa được nhìn nhận như một thành phần cần thiết như ở nhiều nước khác trên thế giới. Do vậy, để phát triển giáo dục phổ thông theo hướng mở trong thời gian tới, cần nghiên cứu thấu đáo hệ thống giáo dục phổ thông theo hướng mở ở các nước tiên tiến trên thế giới, từ đó vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Tiếp đến, Việt Nam cần phải xây dựng một văn hóa mở, tức là văn hóa cộng tác và chia sẻ trong sản sinh, truyền bá, sử dụng các tài liệu giáo dục, kết quả nghiên cứu với tinh thần truy nhập mở, giấy phép mở. Các trường phổ thông phải thật sự vào cuộc đổi mới, không chỉ nắm tinh thần đổi mới để điều chỉnh chương trình, kế hoạch dạy học nhằm cung cấp kiến thức bắt kịp yêu cầu mới, mà còn phải tự bồi dưỡng, tập huấn cho lực lượng giáo viên hiện có.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Vũ Đức Thái, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) cho rằng: Với thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay, việc triển khai mô hình giáo dục mở cần được nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống giải pháp, quy chế đầy đủ trước khi vận hành để triển khai hiệu quả, khắc phục những hạn chế của các đợt cải cách trước đây.

Quá trình triển khai phải được cân nhắc đầy đủ, kỹ lưỡng các diễn biến xảy ra, kiên định với mục tiêu và trung thực với chất lượng đào tạo. Trước hết, cần thực hiện thí điểm ở một số trường, sau đó mới hình thành quy trình đào tạo chuẩn và nhân rộng.

Đề cập về hướng mở trong chương trình giáo dục phổ thông, Tiến sĩ Vũ Đức Thái nhấn mạnh: Chương trình cần mở về nội dung, trong đó khối kiến thức cố định (tri thức khoa học phục vụ cho phát triển nghề nghiệp) do Bộ ban hành và quản lý chuẩn; khối kiến thức tự chọn (liên quan đến hiểu biết xã hội và đặc trưng vùng miền...) do địa phương quy định chuẩn.

Những môn có tính đặc thù như năng khiếu, sở thích thì không bắt buộc. Về phương thức, những nội dung tri thức khoa học thì tổ chức các lớp truyền thống; nội dung tự chọn có thể tổ chức nhiều loại hình học tập như online, trải nghiệm, hoạt động nhóm, kịch bản vận động... Các lớp cấp dưới tỷ lệ mở nhiều hơn các lớp cấp trên. Mỗi địa phương cần chỉ đạo việc xây dựng nội dung, phương thức đào tạo cụ thể đảm bảo môi trường giáo dục có tính sáng tạo, tính phù hợp và thích nghi, thể hiện đúng nghề giáo là sáng tạo và nhiệt huyết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục