Đổi mới tư duy và điều hành: Động lực mới cho phát triển kinh tế

08:52' - 31/03/2018
BNEWS GDP quý I/2018 là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây cho thấy, chính sách điều hành kinh tế đã thực sự hiệu quả và tạo nên sự đột phá phát triển kinh tế.
GDP quý I/2018 ước tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Kết quả GDP quý I/2018 ước tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây đã cho thấy, chính sách điều hành kinh tế đã thực sự hiệu quả và tạo nên sự đột phá trong phát triển kinh tế.

Một điểm có thể nhận thấy là khác với thông lệ "tháng 1 là tháng ăn chơi" vốn bám rễ từ năm này qua năm khác, thì ngay những ngày đầu, tháng đầu của năm nay, tất cả các địa phương, các bộ, ngành và doanh nghiệp đã bắt nhịp trở lại rất nhanh với hoạt động điều hành và sản xuất kinh doanh.

Đây là một trong những minh chứng nổi bật cho việc đổi mới trong tư duy hành động, tăng cường trật tự kỷ cương, tính hiệu quả, kịp thời trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ qua Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Kim chỉ nam: Kỷ cương, hành động, hiệu quả!
Nghị quyết 01/NQ-CP với phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả" đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động điều hành kinh tế. Có thể thấy một trong những yếu tố nổi bật của Nghị quyết 01 đó là phải tạo ra một hành lang pháp lý, cơ chế điều hành, cơ chế hành chính ngày càng hoàn thiện và là điểm tựa vững vàng, minh bạch cho hoạt động kinh tế.

Song song với đó là tăng cường vai trò điều hành quản lý của cả bộ máy từ Trung ương tới địa phương, từ các bộ ngành tới doanh nghiệp, nhất là tăng cường tính kỷ luật, giám sát và quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh tế để từ đó đưa ra những chỉ tiêu, giải pháp thiết thực và thực chất nhất.
Trên cơ sở phân tích và dự báo tình hình trong và ngoài nước, căn cứ thực tế của nền kinh tế, thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp; trong đó, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Chính phủ cũng đã kiên quyết và phân công rõ từng nhiệm vụ, giải pháp cho các địa phương, bộ ngành, kèm theo là các giải pháp quản lý kiểm soát sát sao; khuyến khích các giải pháp sáng tạo, hiệu quả...
Thực tế cho thấy, trong các tháng đầu năm, các địa phương, bộ, ngành thuộc các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, công thương, nông nghiệp, giao thông v.v... đã gấp rút thực hiện các giải pháp để tháo gỡ những bất cập đang tồn tại trong nền kinh tế, đó là gỡ vướng trong các vấn đề liên quan BOT giao thông, điều hành lãi suất và tìm giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với vốn vay hiệu quả, tiếp tục lập lại trật tự kỷ cương trong xây dựng và hoạt động quy hoạch đô thị; đàm phán, tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới xuất khẩu thủy sản, tìm kiếm đầu ra cho hàng nông sản tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu,; đầy mạnh phổ biến các cam kết thương mại, những rào cản thương mại cũng như cách thức để các doanh nghiệp có thể khắc phục điểm yếu, vượt qua các rào cản thương mại v.v...
Là một trong những bộ, ngành sớm triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện quyết liệt, đảm bảo thời hạn đề ra của từng công việc, quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2018.

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 16/QĐ-BTC ngày 4/1/2018 ban hành Kế hoạch hành động để triển khai các nhiệm vụ thuộc ngành và lĩnh vực Bộ Tài chính được phân công quản lý gồm 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, 244 nhiệm vụ cụ thể, với thời gian hoàn thành từng nhiệm vụ cụ thể trong năm.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng như tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao; đánh giá tổng kết việc áp dụng cơ chế tài chính đặc thù đối với một số lĩnh vực, tiến tới giảm dần áp dụng cơ chế đặc thù đối với nhiệm vụ quản lý nhà nước; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty…
"Căn cứ nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc thông báo nhiệm vụ thu, chi cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; hướng dẫn việc tổ chức thực hiện dự toán và hoàn thành kiểm tra phân bổ, giao dự toán của các đơn vị dự toán cấp I theo quy định”, ông Tân chia sẻ.
Bên cạnh đó, để triển khai thi hành Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành một số Nghị định quy định chi tiết Luật; đồng thời cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền ban hành các nghị định còn lại.
Đặc biệt sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 240/CĐ-TTg ngày 21/2/2018 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết, Bộ Tài chính đã có công văn số 2323/BTC-QLG ngày 1/3/2018 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Minh Tân, trong 3 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã tích cực rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý phát triển thị trường tài chính (chứng khoán, bảo hiểm); đồng thời, tăng cường giám sát, duy trì sự phát triển ổn định của các thị trường tài chính.
Tương tự như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cũng đã nhanh chóng ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm đạt các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2018 như: Tốc độ tăng trưởng về xây dựng đạt khoảng 8,46- 9,21%; Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 38,4%; Tỷ lệ quy hoạch vùng tỉnh đạt 100%, quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 78%, quy hoạch chi tiết 1/500 đạt trên 38%, quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100%....
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, thuế liên quan đến nhà ở và bất động sản; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, điều chỉnh chính sách tín dụng một cách linh hoạt, kịp thời; phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tháo gỡ các vướng mắc về việc bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai có hiệu quả các Chương trình nhà ở trọng điểm.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng đặc biệt lưu ý các đơn vị chức năng theo dõi sát diễn biến, thường xuyên cập nhật thông tin và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo về tình hình thị trường bất động sản. Nghiên cứu và thực hiện có hiệu quả các công cụ, giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, không để xảy ra các hiện tượng cực đoan, đảm bảo sự công khai, minh bạch của thị trường; hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.

Tạo chuyển biến thực chất
Nhờ sự vào cuộc tích cực và chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Chính phủ cùng sự nỗ lực thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018 đã mang lại những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội.


Ngành tài chính cũng chú trọng tới khai thác nguồn thu và mở rộng cơ sở thuế, tập trung đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế… Ảnh minh họa: TTXVN

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2018 ước tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% và khu vực dịch vụ tăng 6,7%.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính chung trong quý I/2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 5,8 tỷ USD, bằng 75,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2018 đạt hơn 232.000 tỷ đồng, bằng 17,6% dự toán năm. Xuất khẩu hàng hóa vẫn giữ được đà tăng trưởng khi kim ngạch xuất khẩu quý I đạt hơn 54,3 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I năm 2018 tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2018 tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Để có thể hoàn thành chỉ tiêu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao như trong Nghị quyết 01/NQ-CP đã đề ra, theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính xác định phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị… để làm tốt việc quản lý thu. Ngành tài chính cũng chú trọng tới khai thác nguồn thu và mở rộng cơ sở thuế, tập trung đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế…
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nằm trong nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới một Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Bộ Công Thương cũng xác định "chất lượng cải cách hành chính của Bộ Công Thương phải được đo bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp".
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong thời gian tới để tiếp tục nâng cao hiệu quả của việc cải cách hành chính, Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Chính phủ điện tử và nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành thông qua việc sử dụng hiệu quả mạng thông tin điện tử hành chính.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng phục vụ và tính công khai minh bạch trong hoạt động của Bộ Công Thương thông qua đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và các tổ chức; đẩy mạnh kết nối các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao trên Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Thực hiện Cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương./.

>>> PCI 2017 với những lạc quan và khởi sắc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục