Đối thoại chiến lược Trung Quốc-EU lần thứ 7: Chờ đợi những thông điệp về thương mại tự do

19:29' - 19/04/2017
BNEWS Đây là cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa Bắc Kinh và Brussels kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức.
Thủ tướng Lý Khắc Cường (phải) và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini (trái) trong cuộc gặp ở Bắc Kinh. Ảnh: THX/TTXVN

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ đồng chủ trì Đối thoại chiến lược Trung Quốc-EU lần thứ 7, được tổ chức trong hai ngày 19-20/4/2017, trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc dự kiến sẽ diễn ra ở Brussels vào tháng Sáu tới.

Chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán này sẽ đề cập đến việc hợp tác giữa hai bên trong các vấn đề của khu vực, an ninh, và biến đổi khí hậu.

Đây là cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa Bắc Kinh và Brussels kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, trong đó cả hai bên đều nóng lòng đưa ra những thông điệp về thương mại tự do.

Bà Mogherini ngày 18/4 đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Bà Mogherini cho rằng Trung Quốc và EU nên gánh vác trách nhiệm duy trì trật tự quốc tế, giải quyết những thách thức toàn cầu như chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển và hòa bình trên thế giới.

Trong khi đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng cả Trung Quốc và EU đang phải đối phó với các thách thức toàn cầu, cải cách và hoàn thiện hệ thống quản trị quốc tế, thúc đẩy tín hiệu tích cực của toàn cầu hóa kinh tế cũng như thương mại tự do và công bằng.

Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, hai bên nên đối phó với những thách thức và bất ổn trong tình hình quốc tế thông qua sự hợp tác và ổn định của quan hệ Trung Quốc - EU.

Tuy nhiên, Bắc Kinh và Brussels đang có những bất đồng về thương mại, theo đó, các doanh nghiệp châu Âu phàn nàn rằng họ bị hạn chế trong việc mua lại các tài sản của Trung Quốc, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đang thâu tóm các thương hiệu lớn trên toàn cầu.

Các doanh nghiệp châu Âu cũng cho rằng Bắc Kinh đang vi phạm các cam kết về thương mại tự do khi ngăn cản hay hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài trong nhiều lĩnh vực như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính và nhiều ngành đầy tiềm năng khác.

Trong khi đó, Bắc Kinh muốn EU công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường, một quyết định có thể khiến EU khó ban hành các loại thuế trừng phạt đối với hàng nhập khẩu được cho là có giá rẻ một cách không công bằng từ Trung Quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục