Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra hàng xuất nhập khẩu

16:47' - 17/08/2015
BNEWS Còn nhiều văn bản chồng chéo và bị coi là cứng nhắc giữa các bộ, ngành với khâu kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ngày 17/8, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo "Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu".

Tại một quầy làm thủ tục kê khai xuất nhập khẩu (Nguồn Internet)

Theo Tổng cục Hải quan, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành quá nhiều nhưng chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện có 259 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng (19 Luật, Pháp lệnh; 54 Nghị định, Chỉ thị, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 186 Thông tư, Quyết định của các bộ, ngành).

Qua nhiều ý kiến trao đổi giữa các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước tại hội thảo, có thể thấy còn nhiều bất cập xung quanh việc thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Còn nhiều văn bản chồng chéo và bị coi là cứng nhắc giữa các bộ, ngành với khâu kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều này không chỉ khiến thời gian thông quan hàng hóa bị kéo dài mà còn tăng chi phí.

Bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng An Đô ví dụ, mỗi năm công ty bà phải bỏ khoảng 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng để kiểm tra chuyên ngành với mặt hàng vải nhập khẩu. Đáng chú ý, việc kiểm tra này lặp đi lặp lại, có khi với cùng mẫu hàng giống nhau. "Một tuần có khi chúng tôi phải kiểm tra 6 mẫu vải giống hệt nhau", bà Trịnh Tú Anh nói.

Theo bà Trịnh Tú Anh, để giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành cũng như tiết kiệm chi phí, cơ quan chức năng có thể áp dụng kiểm tra theo xác suất hoặc có cơ chế ưu đãi với những doanh nghiệp thường xuyên chấp hành tốt quy định về thủ tục, chất lượng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của USAID cho rằng, những quy định chồng chéo, không thống nhất đang làm khó người thực hiện. Cùng là Luật An toàn thực phẩm nhưng các bộ lại có cách hiểu khác nhau, thậm chí cùng một quy định mỗi nơi lại áp dụng một khác.

Từ những vướng mắc của các doanh nghiệp trao đổi tại hội thảo, đại diện các bộ, ngành: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như cơ quan Hải quan cũng ghi nhận và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp đối với vấn đề kiểm tra chuyên ngành để có hướng bổ sung, khắc phục trong thời gian tới.

Hoàng Tùng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục