Đồng bảng Anh “trầm lắng” giữa những bất ổn chính trị

11:28' - 12/06/2017
BNEWS Đồng bảng Anh “đi ngang” trong bối cảnh Thủ tướng Theresa May đang nỗ lực hàn gắn nội bộ đang bị chia rẽ của đảng Bảo thủ.

Trong phiên giao dịch ngày 12/6, đồng bảng Anh “đi ngang” trong bối cảnh Thủ tướng Theresa May đang nỗ lực hàn gắn nội bộ đang bị chia rẽ của đảng Bảo thủ, sau khi kết quả bất ngờ của cuộc bầu cử sớm ngày 8/6 đe dọa tiến trình đàm phán về Brexit sắp tới.
Cụ thể, trên sàn giao dịch Singapore, đồng bảng Anh gần như không đổi khi giao dịch ở mức 1,2743 USD/ bảng Anh.

Trước đó trong phiên ngày 9/6 tại London, đồng bảng Anh đã để mất 2,5% xuống giao dịch ở mức 1,2636 USD/bảng Anh, mức thấp nhất kể từ ngày 18/4 do không đảng chính trị nào giành đủ 326 ghế quá bán tại Hạ viện gồm 650 ghế trong cuộc bầu cử sớm tại nước này.
Theo chuyên gia phân tích chiến lược tiền tệ Shinichiro Kadota của ngân hàng Barclays chi nhánh Tokyo (Nhật Bản), việc đồng bảng Anh “dậm chân tại chỗ” chủ yếu là vì thị trường đang chờ đợi những thông tin mới về tình hình chính trị tại “Đảo quốc sương mù”, chứ không phải là dấu hiệu của sự ổn định
Bên cạnh đó, việc đồng bảng Anh rớt giá hồi cuối tuần trước đã giúp thúc đẩy đồng USD đi lên. Chỉ số đồng USD – được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – phiên này đạt mức 97,19 điểm. Trước đó trong phiên thứ Sáu (9/6), đồng bạc xanh đã lên chạm mức 97,5 – cao nhất kể từ ngày 30/5.
Một sự kiện khác được giới đầu tư quan tâm trong tuần này là cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày từ 13-14/6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương).

Sự chú ý của thị trường sẽ dồn vào việc tìm kiếm những dấu hiệu mới về tiến trình tăng lãi suất của Fed trong năm nay và năm tới, cũng như những thông tin cụ thể về kế hoạch điều chỉnh bảng cân đối kế toán “đồ sộ” của cơ quan này.
Phiên này, đồng euro cũng nhích thêm 0,1% lên 1,1207 USD/euro sau chiến thắng vang dội của Tổng thống Emmanuel Macron và các đồng minh trong cuộc bầu cử Hạ viện Pháp vòng 1.
Với 32,32% số phiếu ủng hộ, đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (REM) và đồng minh là đảng trung hữu Phong trào Dân chủ (MoDem) đã bỏ xa phe cánh hữu tới 21,56% và dẫn trước đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) của bà Marine Le Pen 13,2%.

Theo giới phân tích, với số phiếu áp đảo giành được ở vòng 1, đảng REM cùng liên minh có thể giành từ 400-445 ghế trong tổng số 577 ghế Hạ viện ở vòng 2 cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 18/6 tới.

Đây có thể là sự ủng hộ đa số lớn nhất mà một tổng thống Pháp có được trong khoảng 60 năm qua, qua đó giúp vị tân Tổng thống thực thi các chương trình cải cách lao động, kinh tế và xã hội đầy tham vọng của mình, như những gì ông đã cam kết trong quá trình tranh cử.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục