Đồng bằng sông Cửu Long: "Lo" khi lũ không về

15:11' - 06/09/2016
BNEWS Năm 2016 đã gần qua thượng tuần tháng 8 âm lịch mà lũ vẫn chưa về với vùng đất đầu nguồn. Người dân có lý do để lo lắng sẽ không có lũ như năm 2015.
Bà con xã Thương Thới Hậu B phát triển vèo lưới nuôi cá trong mùa lũ. Ảnh: Tràng Dương-TTXVN

Thông thường cứ đến rằm tháng bảy âm lịch, các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long lại bắt đầu mùa lũ. Theo đó, hàng triệu nông dân lúc nông nhàn đã biến thành ngư dân đánh bắt thủy sản trong mùa lũ.

Từ đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu thuộc các huyện giáp biên giới của các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An người dân ngày đêm mong đón lũ về.

Gia đình nào khá giả thì chuẩn bị các ngư cụ, thuyền bè, đấu thầu nơi đặt miệng đáy để khai thác cá linh – một loại cá đặc sản chỉ có ở vùng lũ, mùa lũ. Những hộ nông dân không có đất chuyên đi làm thuê thì xem mùa lũ như vụ làm ăn chính trong năm.

Lũ về làm cho vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên được bồi đắp phù sa, làm vệ sinh ruộng đồng, diệt trừ sâu rầy, chuột bọ, làm đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu...và, đồng bằng sông Cửu Long trở thành vựa lúa, trái cây, thủy sản lớn nhất cả nước.

Lũ đã là một qui luật của thiên nhiên đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Lũ không chỉ là nhân tố tạo thành vùng đồng bằng trù phú này mà còn hình thành nên một phong tục, một cách ứng xử với thiên nhiên và một cuộc mưu sinh đặc trưng mà chỉ có ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đó cũng là nét văn hóa đặc biệt giữa đời sống thường nhật của người dân vùng lũ, không chỉ là thích nghi, tồn tại và mưu sinh mà còn làm nên các tiềm năng lớn về sinh thái, du lịch và đặc biệt là nguồn nước ngọt vô cùng to lớn.

Năm 2016 đã gần qua thượng tuần tháng 8 âm lịch mà lũ vẫn chưa về với vùng đất đầu nguồn. Người dân có lý do để lo lắng sẽ không có lũ như năm 2015.

Hậu quả của mùa lũ hụt năm ngoái không chỉ thất thu nguồn lợi thủy sản, thu nhập của nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo bị giảm sút, sản lượng lúa, cây ăn trái bị ảnh hưởng mà nghiêm trọng hơn là làm cho tình trạng xâm mặn diễn ra sớm và vào sâu nội địa trong mùa khô vừa qua.

Tất nhiên, việc mặn xâm nhập gần cả tram cây số tại các tỉnh ven biển như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau còn do biến đổi khí hậu hay là hiện tượng Elnino; là do việc khai thác cát không có qui hoạch, nhưng mất mùa lũ vẫn là nguyên nhân chính làm hạn mặn trở thành thiên tai.

Liên tục qua các năm lũ về thấp và 2 năm nay là mất mùa lũ còn có một nguyên nhân nữa là các nước ở thượng nguồn sông Mekong xây dựng nhiều đập thủy điện.

Lũ chưa về, chuột sinh sôi, cắn phá lúa (xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Ảnh: Duy Khương–TTXVN

Hệ lụy của các đập thủy điện đối với vùng hạ du đã được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là đã tác động sâu sắc đối với kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường; ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đối với đời sống người dân vùng hạ du; đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Như vậy có thể thấy rằng, nếu không có lũ hay lũ về ít do tác động của biến đổi khí hậu hay hiện tượng thời tiết bất thường thì khi hiện tượng bất thường qua đi lũ sẽ trở lại bình thường.

Nhưng lũ không còn do các đập thủy điện thì sẽ là một sự bất thường kéo dài mà dân cư vùng hạ du phải thích nghi.

Nói cách khác là vùng hạ du nói chung và đồng bằng sông Cửu Long sẽ không còn mùa lũ – nước nổi mênh mông tạo nên sự nên thơ, trù phú như bao đời nay.

Điểu đó đặt ra việc thay đổi lối sống, canh tác, cơ cấu cây trồng, mùa vụ, việc làm và thu nhập với hàng triệu nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long để thích nghi với tình hình không còn lũ.

Đồng thời đặt ra yêu cầu giữ nước ngọt trong mùa mưa cho vùng đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt là vùng ven biển để phòng chống hạn và xâm nhập mặn vào mùa khô.

Đây là việc liên quan đến một sự chuyển đổi chiến lược về phát triển kinh tế xã hội của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long mà trước hết là Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, vốn là vùng lũ trước đây. Vì vậy cần phải có qui hoạch phát triển phù hợp với điều kiện không còn lũ trên phạm vi toàn vùng.

Đó là một nhiệm vụ cấp bách mang tính chiến lược nhằm đối phó hiệu quả với tình hình không còn mùa lũ – nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng như tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một gay gắt.

Trong phạm vi cụ thể, mỗi người dân cần chủ động chuyển đổi từ “sống chung với lũ” sang một cách thích ứng mới là mưu sinh trên vùng không còn lũ hoặc lũ về ít, thất thường.

Đó sẽ là một cuộc hoạch định chiến lược phát triển mới với nhiều khó khăn, phức tạp nhưng nhất định phải tiến hành với thế chủ động của chính quyền và người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục