Đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi - Bài cuối: Chuyển đổi sinh kế và quản trị nguồn nước

09:47' - 19/09/2017
BNEWS Chuyển đổi kế sinh nhai để thoát dần sự lệ thuộc quá nhiều vào mùa nước nổi là mục tiêu mà nhiều địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long đang hướng tới.
Ông Nguyễn Văn Bê sống ở cụm tuyến dân cư vượt lũ ấp Cà Dăm, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An chuẩn bị ngư cụ để đánh bắt thủy sản khi lũ về. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN

Theo ông Trần Hòa Hợp, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang), phần lớn cư dân vùng lũ của thị xã này đều có nghề phụ vào mùa nước nổi như giăng lưới, thả câu, dặt dớn,… bắt cá.

Tận dụng lợi thế từ lũ, giúp nông dân có thêm thu nhập ổn định trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tôm, cá, ngày càng ít và khó đánh bắt hơn. Vì vậy, nhiều địa phương trong đó có UBND thị xã Tân Châu đã triển khai nhiều mô hình sinh kế bèn vững gắn với mùa lũ như: nuôi lươn không bùn, nuôi rắn, trồng rau nhút, nuôi bò vỗ béo...
Anh Nguyễn Hoàng Gấm ở ấp Tân Đông, xã Tân Thạnh, thị xã Tân Châu (An Giang) chia sẻ, cá trên đồng giờ đang dần cạn kiệt, nếu không linh hoạt chuyển đổi nghề để mưu sinh mà cứ sống bám vào mùa lũ như trước đây thì không thể phát triển được, nợ lại càng thêm nợ.

Mấy năm gần đây, gia đình anh chuyển qua nuôi lươn trong bể cao su, tận dụng nguồn thức ăn rẻ từ cá tạp, ốc bươu vàng mùa lũ. Anh Gấm cho hay, giá bán lươn từ 120.000-150.000 đồng/kg đã giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định hơn so với trước đây.
Tại Long An, đối với những vùng trồng lúa kém hiệu quả, thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai, lũ lụt sẽ thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho phù hợp nhằm đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân.

Tỉnh Long An đang có chính sách khuyến khích nuôi thủy sản trên địa bàn các huyện vùng lũ Đồng Tháp Mười. Qua 3 năm triển khai thực hiện (2014 – 2016), tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 2.100 mô hình nuôi trồng thủy sản với tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng.
Chính sách này đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, giúp đời sống người dân được nâng lên. Nhiều tổ hợp tác được thành lập như: sản xuất giống, kinh doanh thức ăn – thuốc thú y… Sản lượng và diện tích nuôi trồng thủy sản tăng lên. Đến nay, các huyện đồng Tháp Mười có hơn 1.700 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng hàng năm đạt hơn 21.000 tấn.
Theo ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, các chương trình, dự án trên đã đạt được nhiều kết quả khả quan, hiệu quả sản xuất nông nghiệp tăng, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Tỉnh đang tiếp tục thực hiện nhiều chương trình, dự án để đảm bảo cho người dân vùng lũ nói riêng, toàn tỉnh nói chung, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững.
Hiện Long An đã khởi động dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững được thực hiện ở 23 xã của 5 huyện vùng Đồng Tháp Mười: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường với diện tích canh tác lúa hơn 49.500 ha thu hút khoảng 25.000 hộ nông dân tham gia với tổng nguồn vốn gần 13,5 triệu USD.

Ông Nguyễn Văn Nam đánh bắt thủy sản trên cánh đồng ở Thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN

Thời gian đầu, dự án tập trung triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa bền vững cho nông dân; xây dựng các điểm trình diễn phục vụ hội thảo đầu bờ; rà soát, kiểm tra các vị trí dự kiến xây dựng kết cấu hạ tầng cho tổ chức nông dân, hợp tác xã… nhằm đưa ngành hàng lúa gạo của tỉnh phát triển ổn định, bền vững và nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm; cải thiện thu nhập cho người trồng lúa.
Nguyên Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh cho rằng, một trong những giải pháp bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hiện nay là cần chủ động trong việc quản trị nguồn nước.
Nhiều năm nay, do các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long xây dựng nhiều tuyến đê bao khép kín ngăn lũ để làm lúa vụ 3, khi nước lũ về không vào được đồng ruộng. Lượng nước này theo các tuyến chính là sông Tiền, sông Hậu đổ ra biển, tạo ra vận tốc dòng chảy lớn nên tình trạng sạt lở bờ sông trong mùa mưa lũ sẽ có diễn biến phức tạp.

Trong khi phần trong đê bao sau nhiều năm canh tác không có phù sa bồi đắp lại bị bạc màu - ông Vinh nhận xét.
"Theo đó, cần phải có một công trình liên hoàn cho cả đồng bằng để có thể chủ động nguồn nước chứ không thể cứ để như hiện nay. Ngay từ đầu năm 2017 đã dự báo là sẽ có lũ, thậm chí từ tháng 4.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những hội thảo để dự báo lũ và ngăn ngừa lũ nhưng đến tháng 7 lũ về thì lại chỉ biết nhìn lúa bị ngập chứ không có công trình nào để điều tiết hay ngăn nước lũ vào đồng ruộng để kịp cắt lúa rồi mới cho nước ngập.", ông Vinh phân tích.
Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều công trình thủy lợi nhưng hầu hết đều rời rạc, không hỗ trợ cho nhau. Do đó, cần phải có một dự án tổng thể để nghiên cứu kết nối những công trình hiện có, đồng thời xây thêm những công trình mới.

Ông Vinh đưa ra giải pháp, nếu cần, có thể cải tạo lại hệ thống đường bộ hiện tại, làm thành những khu đê bao, trên đó xây dựng những cống điều tiết nước cho từng khu.
Nếu làm được như vậy, trong tương lai, dù cuộc sống của người dân có khó khăn do các đập thủy điện ở thượng nguồn hay biến đổi khí hậu thì Đồng bằng sông Cửu Long vẫn có thể sống được./.

>>>Đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi - Bài 1: Sinh kế của người nghèo

>>>Đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi - Bài 2: Nông dân mở đồng đón phù sa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục