Đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng do thủy điện

16:29' - 04/03/2016
BNEWS 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê kông là tác nhân chính gây ra sạt lở, mất cân bằng sinh thái, đặc biệt làm xáo trộn đời sống của nông dân và ngư dân vùng hạ nguồn sông Mê kông.
Tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê kông. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Ngày 4/3, tại Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo khoa học “Tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê kông” .

Hội thảo do Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ tổ chức. Tại Hội thảo, Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đưa ra con số thiệt hại 5,2 nghìn tỷ đồng đối với khu vực ĐBSCL do tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê kông.

Theo Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trân, 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong là tác nhân chính gây ra sạt lở, mất cân bằng sinh thái, đặc biệt làm xáo trộn đời sống của nông dân và ngư dân vùng hạ nguồn sông Mê kông.

200 km từ biên giới Campuchia đến đường bờ biển hiện tại của Việt Nam là kết quả bồi tụ phù sa trong 6.000 năm qua. Vùng ĐBSCL là hạ lưu sông Mê kông, sự mở rộng mũi Cà Mau là do phù sa sông Mê kông mang lại.

Chính vì thế, việc xây dựng các đập thủy điện đã chặn đường vận chuyển phù sa, cắt đứt quá trình kiến tạo đồng bằng, lượng bùn giảm hơn 50% khiến ĐBCSL đứng trước nguy cơ sạt lở với tốc độ ước lượng 4 – 12 m/năm.

Mũi Cà Mau sẽ giảm tốc độ bồi đắp khoảng 1m/năm. Điều này đồng nghĩa với việc nông dân sẽ bị mất đất canh tác, đất đai giảm màu mỡ, thu nhập của nông – ngư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đối diện nguy cơ nghèo đói…

Ngoài ra, các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê kông còn khiến vùng hạ nguồn bị suy giảm sản lượng thủy sản, nhiều chủng tôm cá biến mất. Theo ước tính, vùng ĐBSCL bị giảm 600.000 tấn thủy sản/năm; tác động sụt giảm năng suất nông nghiệp cũng giảm gần 224.000 tấn/năm. Tổng thiệt hại nông nghiệp và thủy sản khoảng 5,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,3% tổng GDP của toàn vùng.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ cho biết thêm: Không chỉ đối diện với nguy cơ sạt lở, vùng hạ lưu sông Mê kông còn phải gánh chịu xâm nhập mặn. Năm 2016 được đánh dấu là năm bị tác hại xâm nhập mặn nặng nề nhất trong 100 năm qua. Xâm nhập mặn ở các tỉnh ven sông Tiền là 10 km, sông Hậu là 9 km. Hoa màu, nông sản đồng loạt chết khô, mất mùa nghiêm trọng.

Nông dân mất đất canh tác, ngư dân giảm sản lượng đánh bắt, công nhân chế biến bị mất việc do nhà máy chế biến thủy sản không đủ nguồn thủy sản cung cấp đầu vào. Nhóm đối tượng này sẽ phải bỏ nơi sinh sống, di cư lên các khu công nghiệp của địa phương khác mưu sinh, dẫn đến một chuỗi hệ lụy về an sinh xã hội.

Từ những tác hại nghiêm trọng và lâu dài kể trên của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê kông đối với vùng ĐBSCL, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần phải có tiếng nói mạnh mẽ trên các diễn đàn do Ủy hội sông Mê kông quốc tế tổ chức, nhằm xem xét điều chỉnh quy hoạch thủy điện trên dòng chính sông Mê kông đảm bảo hài hòa lợi ích của các nước trong khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục