Đóng điện dự án đường dây 220 kV Hải Hà - Cẩm Phả trước 31/12

11:13' - 19/11/2015
BNEWS Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT ) đang đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án Đường dây 220 kV Hải Hà - Cẩm Phả, Trạm biến áp (TBA) 220 kV Hải Hà để đưa vào vận hành cuối năm nay.
Chỉ đạo dựng cột đường dây 220kV Hải Hà-Cẩm Phả. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Các dự án này nhằm cung cấp điện ổn định, an toàn, tin cậy cho Khu công nghiệp (KCN) Hải Hà, Cảng biển Hải Hà; Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và khu vực Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh; đồng thời giảm tải cho các đường dây 110 kV đang vận hành trong khu vực, tạo lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Đây là các dự án nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (QHĐ VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015, có xét đến 2020 đã được Bộ Công Thương phê duyệt và phù hợp với Quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Theo ông Phan Lương Thiện, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, TBA 220 kV Hải Hà có tổng mức đầu tư gần 255,8 tỷ đồng, quy mô lắp đặt giai đoạn 1 một máy biến áp 220/110/22 kV, công suất 250 MVA, xây dựng tại xã Quảng Phong, Hải Hà (Quảng Ninh) trên diện tích 71.690 m2.

Ông Bùi Quang Cảnh, Giám đốc Công ty Xây lắp điện 4 cho biết, hiện trạm Hải Hà đã hoàn thành 70-80% khối lượng công việc, phần còn lại chỉ là hoàn thiện mặt bằng, cảnh quan trạm.

Cuối tháng 11 máy biến áp của Công ty Thiết bị điện Đông Anh sẽ về, ngày 25/11 sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị nhất thứ và 10/12 lắp xong phần nhị thứ, đủ điều điện đóng điện vào cuối tháng 12 năm nay.

Tuy nhiên ông Cảnh cũng cho biết mưa lũ trong hai tháng 7 và 8 tại Quảng Ninh đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công trạm, phải dừng khoảng hơn 60 ngày.

Lắp đặt thiết bị tại Trạm biến áp 220kV Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả. Ảnh: Mai Phương/BNEW/TTXVN

Cùng chung nhận định này, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 4 cũng cho rằng địa điểm xây dựng trạm khó khăn do các địa điểm khác đã có trong quỹ đất quy hoạch của địa phương.

Bên cạnh đó, tiến độ đường găng quá gấp, từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến EVN NPT phải chỉ đạo rất quyết liệt và đồng bộ nên các đơn vị thi công đã rất cố gắng để hoàn thành khối lượng xây dựng chỉ trong 7 tháng.

Đường dây 220 kV Hải Hà - Cẩm Phả và mở rộng ngăn lộ tại TBA 220kV Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả có quy mô mạch kép gồm 203 vị trí cột đi qua địa bàn các huyện Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên và thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Dự án được khởi công ngày 15/5/2015 có tổng mức đầu tư hơn 916,2 tỷ đồng.

Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc cho biết, các đơn vị thi công đã đúc xong 197 vị trí và dựng xong 173 vị trí; đồng thời mới kéo dây được 0,4km.

Công ty CP Thương mại Xây lắp công nghiệp Thăng Long, một trong những nhà thầu thi công dự án cho biết, đơn vị thi công 37 vị trí cột, từ vị trí 71-107, với 16 km gồm 11 khoảng néo.

Tại vị trí 95, khoảng néo từ cột 95 sang cột 97, tại xã Yên Than, huyện Tiên Yên, cột vượt sông Tiên Yên, ông Hà Trọng Văn, Phó Giám đốc Công ty bày tỏ: “Cái khó nhất của đoạn tuyến là chỉ cắt điện trong 1 ngày. Địa hình giao chéo khó khăn, vượt sông, nhà dân, vượt đường dây 110kV độc đạo từ Nhà máy nhiệt điện Na Dương cấp điện cho 3 huyện Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và thành phố Móng Cái, đường dây 35kV do Công ty Điện lực Quảng Ninh quản lý. Vì vậy, đơn vị phải tập trung 80 công nhân thi công tại các khoảng néo này”.

“Về tiến độ tổng thể trong gói thầu của đơn vị đã thực hiện được 65% khối lượng; trong đó phần móng và cột đã hoàn thành 100%, phần kéo dây đã đạt được khoảng 40%. Công ty đã bố trí 6 đội thi công độc lập. Nếu chủ đầu tư cam kết bàn giao mặt bằng đúng tiến độ thì Công ty cũng cam kết hoàn thành trước ngày 15/12”, ông Văn khẳng định.

Đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc cho biết, phần mặt bằng móng đã chi trả tiền, kết hợp vận động bàn giao được toàn bộ 203 vị trí; trong đó, đã phê duyệt phương án bồi thường được 127 vị trí, còn lại 75 vị trí trên địa bàn huyện Tiên Yên và 1 vị trí trên địa bàn huyện Hải Hà đã lập phương án bồi thường, đang trình phê duyệt.

Với chiều dài toàn tuyến khoảng 82,3 km, tương đương 72 khoảng néo, vẫn còn 56 khoảng néo (tương đương 60,7 km) trên địa bàn các huyện Đầm Hà, Tiên Yên và thành phố Cẩm Phả chưa phê duyệt phương án bồi thường nên chưa bàn giao mặt bằng kéo dây.

Hoàn thiện mặt bằng, cảnh quan Trạm biến áp 220kV Hải Hà. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Cụ thể trên địa bàn huyện Đầm Hà, UBND huyện và các cấp chính quyền đã tổ chức họp giải thích tuyên truyền, vận động nhiều lần về chế độ chính sách bồi thường nhưng các hộ tại Quảng An vẫn không nhất trí phương án đền bù. UBND huyện đang hoàn thiện hồ sơ để tiến hành cường chế theo quy định.

Trên địa bàn thành phố Cẩm Phả đã bàn giao 12/41 khoảng néo cho Nhà thầu thi công kéo dây (tương đương 15,7 km/29,8 km).

Vướng mắc chính hiện nay là tại vị trí 101, có khiếu nại của chủ sử dụng đất liên quan đến diện tích thu hồi đất của 2 hộ ông Hoàng Kim Toản và Nguyễn Văn Mạnh.

Trong đó, hộ ông Mạnh có 38,6m2 chưa cho đơn vị thi công dựng cột với lý do đơn giá thấp. Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Cẩm Phả đã cùng UBND phường Cửa Ông lập phương án bổ sung để chi trả nhưng đến nay, hộ này vẫn chưa nhất trí với phương án bổ sung.

Ngày 19/11, tại cuộc họp kiểm tra tiến độ dự án ở Quảng Ninh, nhiều đơn vị thi công cho rằng nếu Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc và các địa phương không tăng cường cán bộ làm công tác đền bù giải phóng mặt bằng thì e rằng ảnh hưởng đến tiến độ đóng điện dự án vì thời gian chỉ còn lại hơn 1 tháng rưỡi.

Không có lý do để lùi tiến độ, ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN NPT yêu cầu các đơn vị thi công bổ sung nhân lực và thiết bị để đảm bảo hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc vào ngày 15/12. “Đơn vị nào không hoàn thành, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc sẽ ra văn bản cảnh cáo, tiến hành phạt hợp đồng kinh tế theo đúng quy định”, ông Tường đề nghị. Công ty Truyền tải điện 1 cũng tập trung lực lượng giám sát, nghiệm thu để đảm bảo chất lượng quản lý vận hành công trình khi hoàn thành.

Riêng Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc tập trung lực lượng giải phóng mặt bằng, đồng thời chuẩn bị các phương án bảo vệ thi công, kể cả cưỡng chế trong tình huống xấu nhất. Mặt khác bám sát UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND các huyện, đôn đốc phê duyệt toàn bộ phương án bồi thường, bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công nhằm đảm bảo tiến độ đóng điện dự án trước 31/12/2015./.

Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục