Đồng euro thiệt nhất khi đồng NDT gia nhập SDR

18:56' - 07/12/2015
BNEWS Đồng euro chịu thiệt nhiều nhất, khi tỷ trọng trong SDR của đồng tiền này sẽ mất tới 6,47% so với mức hiện nay là 37,4%. Trong khi đó, tỷ trọng của đồng USD giảm không nhiều, chỉ 0,17%.
Đồng Euro đang trở nên mất giá do những tác động từ cuộc khủng hoảng di cư và sự mạnh lên của đồng NDT. Ảnh: TTXVN

Đa số các chuyên gia phân tích thị trường dự đoán chỉ trong thời gian ngắn sau khi đồng NDT gia nhập rổ tiền tệ SDR, tỷ giá của đồng euro so với đồng USD sẽ giảm mạnh. Giới doanh nghiệp cũng có cùng quan điểm, thiếu lạc quan về viễn cảnh của đồng euro trong tương lai.
Chuyên gia phụ trách ngoại hối của công ty chứng khoán Chapdelaine & Co., Borthwick, nêu rõ tỷ trọng trong rổ tiền tệ SDR giảm đã tạo ra “cú đánh mạnh” đối với đồng euro khi IMF trên thực tế đã “cắt” bớt phần của đồng euro cho đồng NDT mà không điều chỉnh không đáng kể đối với tỷ trọng của các đồng tiền khác.
Chuyên gia cao cấp về chiến lược thị trường của Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) Jezri Mohideen cho rằng lần điều chỉnh này của IMF ảnh hưởng mạnh nhất tới đồng euro.

Theo ông Jezri sẽ đến một ngày nào đó, đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ chủ yếu thay thế đồng USD và thay thế vị trí hiện nay của đồng euro. Nhưng ông Jezri cũng dự đoán, trong tương lai gần sẽ không xuất hiện tình trạng một lượng lớn dự trữ ngoại hối được thay bằng đồng NDT.

Theo quyết định của Ban lãnh đạo IMF, tháng 10/2016, đồng NDT của Trung Quốc chính thức gia nhập SDR, với tỷ trọng lớn thứ ba trong rổ tiền tệ này, chiếm 10,92%, đứng sau đồng USD (41,73%) và đồng euro (30,93%), xếp trên đồng yen Nhật (8,33%) và bảng Anh (8,09%).

Đồng Euro sẽ chịu thiệt nhiều nhất khi đồng NDT ra nhập giỏ SDR. Ảnh: lindseywilliam.net

Thế nhưng, đồng euro chịu thiệt nhiều nhất, khi tỷ trọng trong SDR của đồng tiền này sẽ mất tới 6,47% so với mức hiện nay là 37,4%. Trong khi đó, tỷ trọng của đồng USD giảm không nhiều, chỉ 0,17%.
Trên thực tế, trong năm 2015 này, đồng euro liên tiếp yếu đi, mất giá tới gần 13% so với đồng USD, lập kỷ lục trong 10 năm gần đây. Nguyên nhân lớn nhất là chính sách tiền tệ trái ngược mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện.

Chủ tịch ECB Mario Draghi đã sớm dự báo, Fed có thể sẽ quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp thường kỳ diễn ra vào tuần tới. Trong khi đó, Morgan Stanley dự tính, trước tháng 11/2018, ECB sẽ rất khó tăng lãi suất.
Chuyên gia phân tích về dịch vụ đầu tư của Ngân hàng Hang Seng (Hong Kong), Ôn Chước Bồi, nêu rõ, hiện nay đồng euro đã xuống đến đáy. Cuộc khủng hoảng di cư và các vụ tấn công khủng bố đang ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của các nước châu Âu, các yếu tố khiến đồng euro suy yếu vẫn chưa được loại bỏ, khiến đồng tiền chung châu Âu tiếp tục chịu sức ép trong năm 2016.
Giới phân tích và chuyên gia tại Anh dự báo “bán euro, mua USD” sẽ là giao dịch phổ biến trên thị trường ngoại hối thế giới trong năm 2016. Nhận định này cũng được đề cập trong hầu hết báo cáo của các ngân hàng về triển vọng thị trường ngoại hối trong năm Bính Thân.
Tờ Thời báo tài chính The Financial Times (Anh) dẫn nhận định của các chuyên gia nước này cho hay không quá khó để dự báo hoạt động “bán euro, mua USD” sẽ là một xu hướng trên thị trường trong năm 2016. Số liệu của Ủy ban giao dịch kỳ hạn hàng hóa (CFTC) cũng cho thấy các quỹ đầu tư vẫn kiên định với việc bán đồng tiền chung châu Âu, nhất là trong những tuần gần đây.
Giá đồng euro đang trong chiều hướng đi xuống và hiện dao động quanh mức 1,06 USD đổi 1 euro. Đồng euro tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất trong bảy tháng rưỡi trở lại đây và các phân tích kỹ thuật cũng cho thấy đồng tiền chung có thể tiếp tục rớt giá, nhất là trong năm 2016.

Đồng euro không chỉ có thể xuống mức 1 USD mà còn có thể giảm sâu hơn trước khi bước sang năm 2016, thay vì trong quý I/2016 như dự báo ban đầu.
Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng phát triển Singapo (DBS Bank) chi nhánh Hong Kong, Châu Hòng Lễ, dự tính, đến cuối năm 2016, tỷ lệ tài sản dự trữ bằng đồng NDT trên toàn cầu có thể lên đến 3%, quy mô tương đương với 300-400 tỷ USD và nhanh nhất là đến năm 2018, đồng NDT có thể trở thành đồng tiền dự trữ lớn thứ ba. Theo đó, trong tương lai, Trung Quốc sẽ thay thế Nhật Bản trở thành thị trường trái phiếu chính phủ lớn thứ hai thế giới.
Trước những lo ngại rằng sau khi đồng NDT gia nhập rổ tiền tệ SDR, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương), sẽ rất khó can thiệp và đồng NDT sẽ mất giá, Phó Thống đốc PBoC Dịch Cương nêu rõ không có cơ sở để nói đồng NDT sẽ nhanh chóng giảm giá và nhấn mạnh, Trung Quốc có đủ năng lực bảo đảm đồng NDT cơ bản ổn định ở mức cân bằng và hợp lý, việc cải cách lĩnh vực tài chính của Trung Quốc sẽ không thể chậm lại.
Xuân Tuấn (TTXVN tại Hong Kong)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục