Đóng góp ý kiến cho Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia về quản lý chất thải

17:59' - 14/12/2017
BNEWS Chiều 14/12, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến cho Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2017 về quản lý chất thải.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, vấn đề môi trường đang được quan tâm, đặc biệt là chất thải phát sinh và quản lý chất thải.

Đây là hội thảo lần thứ 3 để lấy ý kiến đóng góp tiếp của các cấp, các ngành nhằm hoàn thiện công tác quản lý chất thải bởi cơ chế, chính sách đã có nhưng thực tế quản lý có nhiều bất cập.

Vấn đề quản lý chất thải còn nhiều bất cập, chỉ tính về nước thải mới giải quyết được trên 10% tổng lượng nước thải, còn lại vẫn thải ra môi trường chưa qua xử lý hoặc chỉ mới xử lý ở mức độ đơn giản. Chất thải rắn là vấn đề đau đầu với các cơ quan quản lý bởi khối lượng lớn.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Thanh Bái, chuyên gia về môi trường kiến nghị cần có những đánh giá về sự thay đổi, phát triển kinh tế xã hội trong vòng 5 năm gần đây tác động đến việc phát sinh chất thải, nhằm thay đổi cơ chế quản lý trong thời gian tới.

Chất thải nguy hại dạng lỏng đang dễ bị lẫn với nước thải, khó quản lý. Việc trước hết phải nhận diện được nguồn thải, phải đề cập đến tác động của chất thải do phát sinh. Việc thu gom, tái sử dụng, tái chế đang yếu, cần phải nêu được công nghệ điển hình trong xử lý chất thải.

Chuyên gia môi trường Lê Hoàng Lan, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đề xuất nên có phần đánh giá riêng về chất thải nguy hại. Những giải pháp cần phải cụ thể hóa, không nên để chung chung và nêu giải pháp ưu tiên.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nên tách riêng phần chất thải nguy hại, nên đưa phần bùn thải vào phần chất thải rắn. Khi đánh giá ô nhiễm, cần đưa cụ thể quy chuẩn và mức độ ô nhiễm cho từng loại khí thải; nêu rõ hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định.

Nhiều đại biểu cho rằng những thông tin đưa ra từ báo cáo cần phải tập trung để có những số liệu xác đáng, cập nhật, chính xác và có giá trị sử dụng trong thực tiễn vì trong báo cáo có những số liệu đang ở giai đoạn 2012, quá xa so với hiện tại. Các giải pháp cần cụ thể cho từng ngành, nên tham khảo phần đánh giá việc quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản ở các địa phương.../.

>>> LHQ cảnh báo về tác hại nghiêm trọng của thuốc và hóa chất thải ra môi trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục