Động lực cho phát triển kinh tế Việt Nam năm 2018

17:29' - 15/05/2018
BNEWS Dự báo kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 6,81%/năm, có năm trên 7%.
Động lực cho phát triển kinh tế Việt Nam 2018. Ảnh minh họa: TTXVN

Nền kinh tế Việt Nam đã khởi đầu năm 2018 khá ấn tượng với mức tăng trưởng GDP quý I đạt 7,38% trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô. Với kết quả này, dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và có nhiều lý do để tin tưởng vào triển vọng tích cực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020.
Lạc quan nhưng cần thận trọng
Tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020” tổ chức ngày 15/5, tại Hà Nội, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, nhân tố tạo động lực tăng trưởng trong thời gian qua là do công cuộc cải cách được tiến hành đồng bộ với những biện pháp quyết liệt; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, chính sách kinh tế vĩ mô được điều hành linh hoạt và được phối hợp chặt chẽ; nhiều chính sách mới như phát triển kinh tế tư nhân thành động lực của nền kinh tế đã bước đầu đi vào cuộc sống.
Đặc biệt, mới đây, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng của Chính phủ đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam cho giai đoạn 2018-2020. Theo đó, kịch bản 1 tăng trưởng GDP trung bình đạt 6,7%/năm, kịch bản thứ 2 là 6,83%/năm và kịch bản 3 là 7,47%/năm.

Tổ tư vấn cũng đã đề xuất mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm tới (2018 - 2020) là 6,85%. Các dự báo này cho thấy, các chuyên gia kinh tế đều tỏ ra khá lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, trước những kết quả đạt được trong quý I, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã cảnh báo thách thức và rủi ro đối với kinh tế Việt Nam cả trước mắt và trong những năm tới.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kết quả tăng trưởng Quý I có sự đóng góp lớn của những ngành công nghiệp chế tạo; trong đó, có sự tăng trưởng mạnh của Samsung Việt Nam và thép Formosa Hà Tĩnh- những doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam.

Điều này đặt ra câu hỏi liệu là các doanh nghiệp này có giữ được đà tăng trưởng cao trong các quý tiếp theo trong bối cảnh thị trường quốc tế đang hàm chứa những yếu tố bất định trước chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ và nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Lo ngại về phát triển công nghiệp của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, công nghiệp chế tạo của Việt Nam hiện nay gần như nằm trong tay người nước ngoài, mà cụ thể là khối FDI. Chúng ta mong muốn trở thành một nước công nghiệp. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đây là mục tiêu không hề dễ dàng.
Thời gian qua, mặc dù, môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện nhưng vẫn còn không ít những bất cập. Lãi suất tín dụng và chi phí logistics vẫn còn quá cao, chi phí không chính thức vẫn còn lớn đang đè nặng lên vai các doanh nghiệp, kiềm chế năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Đặc biệt, việc thực thi pháp luật, chính sách chưa nghiêm, không ít văn bản hướng dẫn luật và Nghị định chất lượng thấp, chưa nhất quán, đầy đủ và minh bạch; thủ tục hành chính, nhất là về đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn nhiều vướng mắc. Đơn cử việc khuyến khích đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) là một chính sách đúng đắn và hết sức quan trọng nhằm huy động cả nguồn lực cho đầu tư phát triển nhưng triển khai chậm và thiếu nhất quán.

Nếu tình trạng trên không sớm được khắc phục sẽ đánh mất niềm tin của nhà đầu tư và rất khó có thể huy động vốn cho hàng loạt công trinh kết cấu hạ tầng quy mô lớn đang rất cần triển khai thực hiện.
Đánh giá về cải cách thể chế thời gian qua, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ thẳng thắn rằng, dù đã đạt được một số kết quả, song nhìn chung tốc độ cải cách vẫn chậm và chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng còn cách xa kỳ vọng. Vẫn còn không ít dự án đầu tư công quy mô lớn đội vốn, chậm tiến độ từ năm này qua năm khác, gây lãng phí lớn; nguy cơ nợ xấu gia tăng vẫn còn rình rập khi mà vốn tín dụng…
Động lực từ đổi mới thể chế
Dự báo kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 6,81%/năm, có năm trên 7%. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu và kỳ vọng, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, còn rất nhiều việc phải làm, cần có sự nỗ lực và tập trung rất lớn của các cấp, các ngành từ trung ương xuống địa phương, của tất cả các thành phần kinh tế, nhà nước, tư nhân, nước ngoài để giữ vững đà tăng trưởng, không chỉ cho năm 2018 mà còn cho những năm tiếp theo...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra nhiều thông điệp về cải cách, đổi mới của Chính phủ. Theo đó, trước hết, phải tiếp tục đổi mới thể chế. “Đây được coi là động lực mang tính nền móng, căn bản đối với tăng trưởng kinh tế, vừa là sự cần thiết phải đổi mới trong bối cảnh có nhiều thay đổi diễn ra nhanh chóng, vừa là yêu cầu bắt buộc để phát triển”, Bộ trưởng khẳng định.
Nâng cao năng suất lao động cũng là nhân tố cốt lõi, quan trọng nhất nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó việc tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh, mạnh như vũ bão.
“Đây được coi là giải pháp hiệu quả nhất để nâng cao năng suất lao động, giúp các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam có thể đẩy nhanh tốc độ, thu hẹp dần khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới. Đây là cơ hội ngàn năm có một, nếu chúng ta không tận dụng được sẽ phải mất rất nhiều năm mới có thể có lại được cơ hội này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ quan điểm, cần phải phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thông qua sự liên kết mạnh mẽ giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Về vấn đề phát triển kinh tế tư nhân, ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong 1 năm qua, cải cách thể chế có tiến triển nhưng chậm, dẫn đến tình trạng trên nóng, dưới lạnh. Do đó, trọng tâm vấn đề hiện nay là sự chuyển động cả hệ thống, thay vì chỉ người lãnh đạo.
Bàn về phương thức cải cách thể chế sao cho hiệu quả, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần thay đổi tư duy ở cấp nhân viên, chuyên viên, chứ không chỉ dừng lại ở tầm lãnh đạo.
"Thay đổi tư duy trong bộ máy hành chính là một nội dung quan trọng của cải cách thể chế, từng bước bám sát trình độ tư duy của thế giới. Tôi muốn nhấn mạnh một điểm, về cách thức làm luật của ta, Việt Nam thường phải có luật rồi mới cho làm, hạn chế sức sáng tạo”, ông Hiếu cho biết.
Bên cạnh những khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn. Ngoài những yếu tố mang tính động lực quan trọng, theo Bộ trưởng Dũng, chúng ta còn rất nhiều các nhân tố động lực khác để minh chứng cho triển vọng khả quan kinh tế Việt Nam trong năm 2018 cũng như những năm tiếp theo như: về kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ cấu lại nền kinh tế và trong từng ngành, lĩnh vực...
“Dư địa còn nhiều, vấn đề nằm ở chỗ là làm thế nào khai thác được các dư địa này một cách nhanh và hiệu quả; đồng thời, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, chúng ta không được phép lơ là, bỏ qua những khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định./.

>>>Báo chí quốc tế nêu bật sự phát triển ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục