Động lực của Nga trong việc làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

06:30' - 23/12/2017
BNEWS Ngăn chặn việc nổ ra hàng loạt các hành động thù địch và hướng tới sự ổn định bền vững cho bán đảo Triều Tiên là lợi ích của cả cộng đồng quốc tế nói chung và lợi ích của Nga nói riêng.
Động lực của Nga trong việc làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: KCNA/Reuters

Trang mạng Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS, Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore) mới đây đăng bài bình luận của tác giả Chris Cheang, chuyên gia tại RSIS, từng là một nhà ngoại giao kỳ cựu với ba nhiệm kỳ làm việc tại đại sứ quán Singapore ở Moskva (Nga).

Bài viết cho rằng ngoài Trung Quốc, Nga là nước duy nhất có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Nga phản đối chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhưng cho rằng đối thoại và đàm phán là cách duy nhất để giải quyết khủng hoảng. Nga đã chỉ trích mạnh mẽ cách Mỹ gây áp lực lên Triều Tiên và cho rằng cách nước này coi các biện pháp quân sự để giải quyết khủng hoảng Triều Tiên là một sai lầm.

Cựu Đại sứ Nga tại Hàn Quốc, ông Gleb Ivashentsov, nêu rõ quan điểm của Nga trong một bài báo ra ngày 30/11 vừa qua trên trang web của Câu lạc bộ chính trị thảo luận quốc tế Valdai (VDC), một cơ quan cố vấn có trụ sở tại Moskva.

Theo ông này, mặc dù Moskva không công nhận vị thế của Triều Tiên như là một cường quốc về hạt nhân và coi những hành động gần đây của Triều Tiên là khiêu khích, Nga cũng bác bỏ tất cả các cách giải quyết vấn đề mà không thông qua con đường chính trị.

Ông này cũng đề cập tới kế hoạch từng bước của Nga nhằm giải quyết khủng hoảng do Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov trình bày tại Hội nghị châu Á lần thứ 8 của VDC tại Seoul (Hàn Quốc) vài ngày trước.

Đóng băng kép

Theo ông Morgulov, giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch này là phải giảm căng thẳng quân sự. Theo kế hoạch “đóng băng kép”, việc đầu tiên là phải kêu gọi Triều Tiên ngừng các cuộc phóng thử tên lửa và hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc tạm ngừng tập trận. Ông Ivashentsov cho rằng đề xuất này có thể sẽ được Bình Nhưỡng hưởng ứng vì ý tưởng tương tự đã được chính lãnh đạo của Bình Nhưỡng đề xuất vào năm 2015 và 2016.

Có vẻ như Nga cho rằng hành động và đe dọa của Mỹ là những trở ngại chính cho việc giải quyết khủng hoảng. Điều này có thể được thấy rõ trong bài phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 29/11 khi kêu gọi Mỹ phải giải thích rõ ràng ý định của mình.

“Nếu nước Mỹ thực sự đang tìm cái cớ để triệt hạ Triều Tiên, như phái đoàn của Mỹ đã từng phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hãy để nước Mỹ nói rõ ý định này và lãnh đạo Mỹ xác nhận điều đó. Sau đó chúng tôi mới quyết định phản ứng như thế nào”.

Giai đoạn thứ hai có sự tham gia đàm phán trực tiếp giữa Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc. Giai đoạn thứ ba và cuối cùng sẽ bắt đầu tiến trình đàm phán của tất cả các nước có liên quan để thảo luận về toàn bộ các vấn đề an ninh chung của châu Á.

Động lực của Nga

Nga cũng có một số động lực để nỗ lực giải quyết khủng hoảng tại Triều Tiên. Moskva rõ ràng sẽ đứng ngồi không yên nếu Triều Tiên tiếp tục bất ổn và là hệ quả của sự thù địch và căng thẳng gia tăng. Sự gần gũi về mặt địa lý cũng có nghĩa là sự bất ổn chính trị tại Triều Tiên có thể dẫn tới một dòng chảy người tị nạn vào Nga.

Thứ hai, Nga không muốn chế độ dòng họ Kim tại Triều Tiên bị thay thế bởi một chính phủ khác thân với Mỹ hoặc Hàn Quốc. Tình huống xấu nhất đối với Nga là việc thống nhất bán đảo này dựa trên sự lãnh đạo hay thống trị của Hàn Quốc, đặc biệt nếu dẫn tới một liên minh quân sự mạnh mẽ hơn với Mỹ và phía quân đội của Mỹ sẽ được phép đóng quân gần biên giới Hàn Quốc-Nga.

Thứ ba, uy tín của Nga và vị thế quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng nếu những nỗ lực của Moskva có thể dẫn tới một giải pháp cho cuộc khủng hoảng này; về mặt trung hạn thì Nga cũng có thể đạt được một số lợi thế trong việc đối đầu với Mỹ nếu những nỗ lực của nước này ở bán đảo Triều Tiên có kết quả, đặc biệt trong các vấn đề liên quan tới tình hình tại Ukraine và Crimea.

Thứ tư, Nga cũng có thể đang tìm cách củng cố quan hệ với Trung Quốc, vốn đang bị nhiều áp lực từ phía Mỹ trong việc giải quyết khủng hoảng. Bằng cách chiếm thế chủ động trong vấn đề Triều Tiên, Nga đang góp phần làm giảm áp lực lên Trung Quốc.

Cuối cùng, tương tự như Trung Quốc, Nga cũng mong muốn ngăn chặn việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Thực tế thì ông Ivashentsov cũng cảnh báo trong bài viết của mình là chính hệ thống THAAD là lý do thúc đẩy Bình Nhưỡng tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng sức mạnh quân sự.

Nga liệu có thể làm giảm căng thẳng?

Những nỗ lực của Nga vẫn có một số hạn chế. Trước hết, cuộc khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên chỉ là vấn đề quan trọng thứ ba đối với lợi ích của Nga, xếp sau Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (bao gồm một số nước thuộc Liên Xô cũ) và Trung Đông. Thứ hai, Nga cũng có một số hạn chế về tầm ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng mặc dù cũng đã xây dựng được nhiều quan hệ chính trị tại đây.

Hợp tác kinh tế giữa Nga và Triều Tiên cũng còn rất khiêm tốn, đặc biệt là từ khi có hạn chế về việc xuất khẩu lao động từ Triều Tiên. Quan hệ văn hoá cũng không còn được như dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-il; rõ ràng nhà lãnh đạo hiện nay là Kim Jong-un lớn lên trong một thời kỳ văn hoá hoàn toàn khác.

Tuy nhiên, không thể hoàn toàn bác bỏ khả năng những nỗ lực của Nga có thể giúp giải quyết vấn đề Triều Tiên, và quan trọng hơn là tiến tới việc đàm phán và đối thoại để ngăn chặn khả năng chiến tranh. Trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả khi các sáng kiến của Nga có thể củng cố vị trí của nước này tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì mối quan tâm hàng đầu của Nga vẫn là Đông Bắc Á.

Về phần mình, Đông Nam Á được hưởng lợi từ giải pháp của cuộc khủng hoảng; tình hình căng thẳng tại khu vực này sẽ chỉ làm giảm triển vọng kinh tế cho Đông Nam Á. Ở cấp độ quan hệ giữa các cường quốc thì tình trạng quan hệ giữa Nga và Mỹ cũng sẽ quyết định thành công trong các nỗ lực của Nga, và những hành động tiếp theo của Moskva lúc đó mới thực sự là quan trọng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục