Động lực lôi kéo hành động can thiệp vào Venezuela

06:30' - 27/08/2017
BNEWS Venezuela đang ở trung tâm "bàn cờ", cùng lúc đối diện với một vấn đề chính trị về tính đại diện và hợp pháp, một cuộc khủng hoảng kinh tế và một loạt hành động can thiệp được che đậy.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: EPA/TTXVN

Trung tâm quan sát chiến lược Mỹ Latinh (Obela) vừa đưa ra cảnh báo trên trang mạng của mình về một nguy cơ lớn, đó là vấn đề chính trị quốc gia sẽ được giải quyết bằng một cuộc can thiệp quân sự và điều này sẽ làm bùng nổ một vấn đề quốc tế tại Nam Mỹ.

Venezuela đang ở trung tâm "bàn cờ", và bị ràng buộc vào những quyền lợi kinh tế và những kế hoạch địa chính trị của 3 cường quốc toàn cầu: Mỹ, Trung Quốc và Nga. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra những phát biểu ngày 11/8 đe dọa tấn công quân sự gây choáng váng dư luận.

Venezuela là một trong những quốc gia có tầm quan trọng địa chính trị lớn nhất tại tiểu lục địa Nam Mỹ, là đầu tàu trong "lòng chảo Caribe" và sở hữu trữ lượng khổng lồ về dầu khí, nước sạch, đồng và một số kim loại hiếm. Nước này có trữ lượng dầu khí đã kiểm chứng lớn nhất thế giới và cũng là nhà xuất khẩu “vàng đen” lớn nhất tại Tây Bán Cầu.

Hệ thống sản xuất dầu khí của Venezuela đã được quốc hữu hóa thông qua tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA - doanh nghiệp cũng đang nắm giữ công ty dầu khí CITGO tại Mỹ. CITGO nằm trong số 8 công ty lọc dầu lớn nhất thị trường Bắc Mỹ và 6 nhà phân phối xăng dầu lớn nhất nước Mỹ.

Từ năm 2005, PDVSA đóng vai trò động lực thúc đẩy chính các dự án và cơ sở hạ tầng của liên doanh Petrocaribe, có nhiệm vụ cung cấp dầu thô cho các nước Caribe với những ưu đãi đáng kể về giá cả, hình thức, thời hạn thanh toán theo khuôn khổ của Hiệp ước San José.

Tháng 4/2017, PDVSA đã nhận một khoản vay trị giá 2 tỷ USD của Tập đoàn dầu khí Nga ROSNEFT bằng việc cầm cố 49,9% cổ phần của CITGO. Trong trường hợp PDVSA không trả được nợ, ROSNEFT sẽ kiểm soát được gần như đa số cổ phần của CITGO và yếu tố này lôi kéo Nga vào trong "bàn cờ" chính trị Venezuela và Caribe.

Nhà nghiên cứu người Venezuela lưu vong tại Mỹ Roger Santodomingo thuộc Trung tâm Phát triển và Dân chủ châu Mỹ, nhận định rằng người Nga không muốn bị buộc lơ lửng vào CITGO và giờ đây đang tìm cách thay thế khoản thế chấp này bằng quyền kiểm soát các lô dầu khí trên lãnh thổ Venezuela.

Những lệnh trừng phạt đã có và có thể sẽ được tăng cường của Washington nhắm vào Caracas - do đã thực hiện bầu cử Quốc hội lập hiến mà không hội đủ đa số phiếu trong tổng số cử tri đăng ký - có khả năng sẽ “gây tác động tiềm tàng tới hoạt động xuất khẩu dầu khí sang Mỹ, quốc gia mà Venezuela là nhà cung cấp dầu lớn thứ 3 sau Canada và Saudi Arabia”.

Kể từ khi cuộc bầu cử được tiến hành, Venezuela đã lún sâu vào những tranh cãi, nhất là xung quanh số lượng người đi bầu - thước đo mức độ tín nhiệm của dân chúng đối với chính phủ. Chính phủ công bố rằng có hơn 8 triệu cử đi bầu, song con số này bị đông đảo dư luận - chứ không chỉ riêng phe đối lập - cho là không trung thực.

Động lực lôi kéo hành động can thiệp vào Venezuela. Ảnh:Reuters

Nền kinh tế Venezuela tiếp tục suy sụp nghiêm trọng khiến cho người ta khó có thể tin rằng sự tín nhiệm dành cho chính phủ đã tăng đáng kể khi có tới thêm 2,5 triệu người đi bỏ phiếu so với con số 5,6 triệu cử tri tham gia cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 12/2015 để bầu cho Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền.

Về phần mình, những người ủng hộ chính phủ cũng thừa nhận rằng không phải ai đi bầu cũng là những người đi theo chủ nghĩa Chavez, mà một số được cho là đi bầu với mong muốn chấm dứt tình trạng bạo lực đang hủy hoại đất nước này hơn là để ủng hộ chính phủ.

Quyết định triệu tập Quốc hội Lập hiến đã đẩy Venezuela rơi vào sự cô lập ngày càng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Tính đến ngày 4/8, ngày mà Quốc hội tuyên thệ, đã có 44 quốc gia hoặc lên án, hoặc không công nhận nó, và chỉ có 6 nước (Nga, Iran, và 4 chính phủ cánh tả ở châu Mỹ Latinh) ủng hộ.

Đến ngày 5/8, Venezuela bị khối thương mại khu vực Nam Mỹ Mecosur đình chỉ tư cách thành viên. Trước đó, Washington cũng đã áp đặt trừng phạt đối với 14 quan chức hàng đầu Venezuela, trong đó có Tổng thống Nicolas Maduro.

Bản thân ông Maduro từ lâu đã liên tục chỉ trích âm mưu xâm lược và thâu tóm nguồn tài nguyên dầu mỏ với trữ lượng lớn nhất thế giới tại Venezuela của Mỹ.

Tuy nhiên, những tuyên bố này thường xuyên bị nhiều người xem nhẹ bởi họ cho rằng đó là nỗ lực của Chính quyền Maduro nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi những thất bại và sai lầm trong việc giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng như tình trạng thiếu thốn lương thực và nhu yếu phẩm; tỷ lệ lạm phát phi mã và thực tế Venezuela là nước có tỷ lệ tội phạm giết người cao nhất thế giới.

Trung Quốc là một người chơi mới trong "bàn cờ" này, khi họ đã gia tăng đáng kể sự hiện diện của mình tại Venezuela trong giai đoạn 2000-2015, khi yếu tố Trung Quốc từ tỷ trọng khiêm tốn 0,98% tổng giá trị nhập khẩu và 0,07% tổng giá trị xuất khẩu của Venezuela đã vọt lên mức tương ứng 14,1% và 14,5%.

Bắc Kinh là một đối tác thương mại dầu khí lớn của Caracas dù tầm nhìn về dài hạn của họ đặt vào những kim loại hiếm mang tính chiến lược của Venezuela như Cerium (Ce), Dysprosium (Dy), Erbium (Er)  Europium (Eu), Gadolinium (Gd), Holmium (Ho), Lanthanum (La) cùng một số khác được dùng trong sản xuất các thiết bị máy móc công nghệ cao.

Đó là những kim loại mà cho tới nay quốc gia đông dân nhất thế giới này gần như nắm giữ độc quyền khai thác ở cấp độ thế giới.

Mối nguy lớn nhất sẽ là việc Mỹ thay thế chính sách đối ngoại bằng sức mạnh quân sự, sự chuyển biến đã có một vài dấu hiệu nhận biết như các ưu tiên trong dự luật ngân sách đã đệ trình Quốc hội hay sự hiện diện mạnh mẽ của giới quân sự trong chính quyền hiện tại.

Không thể chấp nhận việc các vấn đề chính trị nội bộ của một quốc gia lại được định đoạt qua cuộc đọ sức của 3 cường quốc thế giới và ở đây nguyên tắc không can thiệp mà luật pháp quốc tế thường nhắc tới phải được cứu vãn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục