Đồng Nai chưa có hiện tượng phá bỏ cao su hàng loạt

18:20' - 26/11/2015
BNEWS Người dân cũng không nên phá bỏ diện tích cao su chuyển sang trồng các loại cây khác, vì có thể theo chu kỳ, cao su tăng giá lại.

Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dù giá cao su thấp nhưng ở Đồng Nai chưa có hiện tượng phá bỏ cao su hàng loạt để trồng cây khác.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, năm 2015, diện tích cao su cả tỉnh là 49.253 ha, tăng 36 ha so với năm 2014.

Đồng Nai chưa có hiện tượng phá bỏ cao su hàng loạt. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN


Giá mủ xuống thấp, thị trường đầu ra khó khăn nên phần lớn các cơ sở thu mua mủ cao su tiểu điền trên địa bàn đã tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động ở mức cầm chừng.

Riêng với nông dân trồng cao su tiểu điền, với giá hiện nay, nông dân chẳng mặn mà để đầu tư, chăm sóc. Trong khi đó, các doanh nghiệp hạn chế khai thác và chăm sóc, cắt giảm lao động để tồn tại.
Từ năm 2012 đến nay, giá mủ cao su liên tục rớt từ 50.000 đồng/kg mủ khô xuống còn 30.000 đồng/kg và nay chỉ còn 20.000 - 24.000 đồng/kg. Với giá bán như hiện nay, người trồng cao su nắm chắc phần thua lỗ.
Trong khi đó, gỗ cao su đang được thị trường ưa chuộng, mỗi héc ta có thể bán 250 - 300 triệu đồng. Do vậy, nhiều nông dân tìm lối thoát bằng cách cưa bỏ cây cao su để bán gỗ.

Với số tiền này có thể làm vốn tái đầu tư vào các loại cây trồng khác. Riêng tại địa bàn xã Xuân Tâm, chỉ với 1.750 ha cao su, nhưng đã có trên 200 ha bị khai thác lấy gỗ.
Ông Nguyễn Đức Màu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Tâm cho biết, hiện giá mủ cao su xuống quá thấp nên việc khai thác mủ không có lãi thậm chí còn lỗ.

Một số hộ nông dân hoặc một số đơn vị đã khai thác những cây cao su già cỗi, kém hiệu quả để bán gỗ hoặc chuyển đổi sang một số cây trồng khác như trồng rừng hoặc trở lại cây cà phê.
Cạnh Nông trường cao su Dầu Giây (Đồng Nai), những năm trước hơn 60% lao động tại ấp Trần Hưng Đạo (xã Xuân Thạnh) chọn làm công nhân cạo mủ.

Nhưng theo anh Võ Thế Hoàng, từng là công nhân cạo mủ, cũng như anh, hàng trăm công nhân cạo mủ đã nộp đơn nghỉ việc.

“Nghỉ cạo mủ thì thất nghiệp, nhưng giờ cạo mỗi tháng lương chưa tới 1,5 triệu đồng, có khi chỉ được 400.000 - 500.000 đồng/tháng, trong khi mấy năm trước "bèo" lắm mỗi tháng cũng được 3 triệu đồng” - anh Hoàng than.
Dù cao su đang vào mùa cạo mủ nhưng bà Nguyễn Thị Nga (Xuân Thạnh, Thống Nhất, Đồng Nai) quyết định không mở miệng cây để cạo, chấp nhận nuôi cây do giá mủ đang ở mức quá thấp.

“Năm ngoái giá mủ tươi còn trên 12.000 đồng/lít, 2 ha cao su của gia đình thu được 50 triệu đồng nhưng chi phí đã mất gần một nửa. Năm nay, giá mủ còn 7.000 - 8.000 đồng/kg, trong khi tiền công cạo 350 đồng/cây, chưa kể tiền công đổ mủ... Tính ra tiền bán mủ không đủ tiền công thì cạo làm gì” - bà Nga chia sẻ.
Mặt khác, theo đánh giá của Sở Công Thương Đồng Nai, cao su của Đồng Nai xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô nên giá trị kinh tế mang lại không cao.

Mặt khác, do chưa có quy chuẩn quốc gia cho ngành cao su, nên chưa có sơ sở pháp lý cho việc kiểm tra chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của các nhà máy dẫn tới chất lượng cao su của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng không ổn định.

Đây là nguyên nhân khiến giá cao su xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Indonesia.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, trong thời gian giá cao su liên tục tăng, doanh nghiệp quốc doanh cũng như người dân Đồng Nai không ngừng mở rộng diện tích. Nhiều gia đình chặt bỏ các loại cây công nghiệp khác để trồng cao su.

Song khoảng 4 năm qua, giá cao su giảm mạnh, người trồng loại cây này đang lo lắng. Nếu việc giảm giá tiếp tục duy trì trong vài năm tới, tình trạng dân chặt bỏ cây cao su để trồng cây khác có thể diễn ra.

Phá bỏ cao su chủ yếu là vườn cây cao su tiểu điền. Ảnh: TTXVN

Theo ông Phạm Minh Đạo, trên địa bàn tỉnh dù có tình trạng chặt bỏ cây cao su để trồng cây khác nhưng hầu hết là ở vườn cao su tiểu điền. Sở chỉ khuyến cáo vì không thể can thiệp.

"Dân có đất là trồng, định hướng của nhà nước nhưng không ai nói cho họ đầu ra thế nào, thị trường ra sao. Ai muốn làm thì làm, không muốn làm thì thôi nên tỉnh cũng chịu", ông Đạo nêu khó khăn.
Ông Đinh Vạn Tiến, nguyên Trưởng ban xuất khẩu của Tập đoàn Cao su Việt Nam cho rằng, tình trạng cao su giảm giá quá thấp, không bán được đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử nhưng sau đó sẽ tăng trở lại.

Do đó, người dân cũng không nên phá bỏ diện tích cao su chuyển sang trồng các loại cây khác vì có thể theo chu kỳ cao su tăng giá lại. Một khi kinh tế thế giới hồi phục, giá dầu thô thế giới tăng, nhu cầu cao su thiên nhiên cũng tăng lên.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, năm 2015, diện tích cao su cả tỉnh là 49.253 ha, tăng 36 ha so với năm 2014; trong đó, diện tích khai thác gần 27.800 ha, sản lượng hơn 41.500 tấn.

Diện tích cao su của Tổng công ty Cao su Đồng Nai và các doanh nghiệp trên 35.700 ha, chiếm hơn 80% diện tích; cao su tiểu điền hơn 8.700 ha, chiếm gần 20% diện tích.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng hướng dẫn kỹ thuật khai thác vườn cây cao su phù hợp với thị trường; hướng dẫn các hộ trồng cao su tiêu điền áp dụng biện pháp kỹ thuật trong khâu chăm sóc, khai thác để nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu tư; đồng thời khuyến khích phát triển các mô hình trồng xen nông lâm kết hợp với cây cao su để tăng thu nhập.

Một số các biện pháp khác như trồng thảm phủ, ép xanh vườn cây năm thứ 1, năm thứ 2 đã hạn chế xói mòn đất, cải tạo độ phì và tăng chất lượng vườn cây.
Bên cạnh đó, những diện tích ngoài vùng quy hoạch bà con trồng tự phát trên trên chân đất xấu, năng suất thấp nên ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến khích sớm chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp hơn để góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân…
Để động viên người công nhân bám rừng cao su, Nông trường cao su Cẩm Mỹ (Tổng Công ty cao su Đồng Nai) đã kịp thời đưa ra các giải pháp cắt giảm chi phí đầu tư sản xuất, kinh doanh đến mức thấp nhất nhằm hạ chi phí sản xuất.

Đơn vị còn phát động thi đua tiết kiệm trong sản xuất, kinh doanh nhằm tăng giá trị lợi nhuận, kêu gọi công nhân chia sẻ với khó khăn của ngành cao su.
Ông Phạm Thanh Liêm, Phó Giám đốc Nông trường cao su Cẩm Mỹ, cho biết gia đình ông có 4 thế hệ làm công nhân cao su.

“Giải pháp của đơn vị nhằm giữ công nhân, duy trì sản xuất, kinh doanh là toàn đơn vị thực hiện nghiêm các giải pháp của Tổng công ty Cao su Đồng Nai như: vượt chỉ tiêu kế hoạch sản lượng hàng năm; giảm chi phí sản xuất; tiết kiệm 30% chi phí đầu tư, chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản” - ông Liêm nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng cao su Việt Nam trên thị trường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kiến nghị Nhà nước cần ban hành quy chuẩn quốc gia cho ngành cao su.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương đề ra cơ chế hỗ trợ, giúp ngành cao su Việt Nam cũng như Đồng Nai vượt qua những khó khăn trong thời điểm hiện tại.

Trong việc phát triển cây cao su, Nhà nước cần nghiên cứu, dự báo chính xác nhu cầu của thị trường thế giới trong nhiều năm tới để có quy hoạch phù hợp .../.
Lê Hiền/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục