Đông Nam Á đang trở thành công xưởng của thế giới

07:00' - 30/09/2015
BNEWS Các nền kinh tế ASEAN có tổng GDP lên tới hơn 2.400 tỷ USD - có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Kinh tế ASEAN dự đoán sẽ tăng trưởng khoảng 5%/năm trong thập niên tới.

Hầu hết mọi người đều biết đến Thái Lan như một điểm du lịch hấp dẫn với các bãi biển hoang sơ, song ít người biết rằng nước này là trung tâm chế tạo ô tô lớn nhất khu vực Đông Nam Á và một trung tâm sản xuất hàng đầu thế giới về linh kiện điện-điện tử.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 47 (AEM 47). Ảnh:Dung Giáp/TTXVN.

Hiện tượng tương tự cũng đang diễn ra ở Việt Nam khi quốc gia này thu hút lượng vốn đầu tư lớn từ các "đại gia" như Samsung và LG (của Hàn Quốc), Canon (Nhật Bản)...

Trong khi đó, các nước Đông Nam Á khác như Malaysia và Philippines hiện là những trung tâm lớn trên thế giới về công nghệ thông tin và dịch vụ ngoại biên. Hiện tại, Singapore, Thái Lan, Indonesia và Philippines đã nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các doanh nghiệp quốc tế.

Theo Sandra Seno-Alday, giảng viên tại Đại học thương mại Sydney và Trung tâm Đông Nam Á Sydney, yếu tố quan trọng giúp Đông Nam Á nổi lên trở thành công xưởng của thế giới là lương.

Báo cáo 2014/2015 về Lương Toàn cầu của Tổ chức Lao động Thế giới cho hay lương thực tế của khu vực châu Á- Thái Bình Dương tăng 6%, trong khi con số tương ứng của Trung Quốc là 7,1%. Đây là dấu hiệu cho thấy sức hấp dẫn của Trung Quốc đối với nhà đầu tư đang suy giảm.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đòi hỏi nhiều nhân lực đang có xu hướng chuyển cơ sở sản xuất sang các nước ASEAN, nơi có mức lương thấp hơn.

Các nền kinh tế ASEAN - thị trường có trên 600 triệu người tiêu dùng và tổng GDP lên tới hơn 2.400 tỷ USD - có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Kinh tế ASEAN dự đoán sẽ tăng trưởng khoảng 5%/năm trong thập niên tới.

Anh Quân (Theo AFP)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục