Đồng NDT mất giá sẽ không trở thành xu thế

05:30' - 23/01/2016
BNEWS Tổng kết về tình hình kinh tế Trung Quốc năm 2015, Cục trưởng Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc Vương Bảo An khẳng định việc đồng NDT mất giá sẽ không trở thành xu thế.

Đồng NDT mất giá sẽ không trở thành xu thế. Ảnh: THX/TTXVN
Theo quan chức này, một nguyên nhân khiến đồng NDT mất giá là do đồng USD tăng giá ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sự mất giá của đồng NDT không tạo ra ảnh hưởng quá lớn tới kinh tế nước này vì Trung Quốc vẫn có tới hơn 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Xét về dài hạn, đồng NDT mất giá sẽ không trở thành xu thế.

Cục trưởng Vương Bảo An cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế cao vừa phải của Trung Quốc trong giai đoạn sau này là biểu hiện của một trạng thái bình thường. Xu thế tăng trưởng kinh tế tổng thể của Trung Quốc không thay đổi; xu thế điều chỉnh kết cấu không thay đổi; và môi trường cũng như điều kiện tăng trưởng bền vững dài hạn của kinh tế Trung Quốc cũng không thay đổi.

Trước đó, trung tuần tháng này, giới chuyên gia kinh tế cũng nhận định rằng không có cơ sở nào cho thấy đồng NDT sẽ tiếp tục mất giá và trong năm 2016 này Trung Quốc sẽ có thể giữ đồng nội tệ của mình “cơ bản ổn định” trong giỏ tiền tệ quốc tế.

Theo ông Liu Ligang, chuyên gia kinh tế cấp cao của chi nhánh ngân hàng ANZ ở Trung Quốc, sự biến động trong thời gian ngắn của đồng NDT phần nào do những lo lắng ngày một gia tăng về sự yếu đi của đồng tiền này, dẫn đến hiện tượng dòng vốn chảy ra nước ngoài.

Hồi cuối tháng trước, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm mạnh xuống còn 3.330 tỷ USD, mức thấp nhất trong hơn ba năm qua và giảm 108 tỷ USD so với tháng 11/2015.

Bên cạnh đó, một đồng NDT đang suy yếu cũng bị ảnh hưởng bởi sự bắt đầu chu kỳ nâng lãi suất ở Mỹ và nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, với tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2015 được ghi nhận ở mức 6,9%, mức thấp nhất trong 25 năm qua.

Việc đồng NDT được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế sẽ góp phần duy trì tỷ giá hối đoái của đồng NDT về cơ bản ổn định.Ảnh: BNEWS.

Ông Lian Ping, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Truyền thông, cho rằng không có cơ sở nào cho thấy đồng NDT sẽ tiếp tục mất giá trong thời gian dài. Các nền tảng của nền kinh tế Trung Quốc vẫn ổn định, nền kinh tế này đang hoạt động trong một biên độ hợp lý, và cải cách cơ cấu sẽ được xúc tiến trong năm 2016 nhằm giữ nền kinh tế này “không bị chìm”.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), cho rằng bất chấp những đợt mất giá đồng NDT lớn nhất trong lịch sử, dự trữ ngoại tệ của nước này vẫn còn “tương đối nhiều” và Trung Quốc là nước có lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới.

Ông Zhang Jun, chuyên gia kinh tế cấp cao của tập đoàn tài chính Morgan Stanley Huaxin Securities, thì cho rằng giới chức trách nhất định sẽ tiếp tục thực hiện cải cách tỷ giá hối đoái theo định hướng của thị trường nhằm duy trì đồng nội tệ về cơ bản ổn định ở mức hợp lý.

Cơ quan quản lý hệ thống giao dịch ngoại tệ Trung Quốc (CFETS) đã đưa ra chỉ số CFET RMB Index hôm 11/12, một chỉ số tổng hợp thể hiện tỷ giá hối đoái giữa đồng NDT và 13 đồng ngoại tệ khác, trong đó có đồng USD, euro và yen Nhật. PBoC cho rằng chỉ số này “sẽ góp phần hướng những người tham gia thị trường chuyển mối quan tâm chính của họ từ tỷ giá hối đoái giữa đồng NDT/USD sang một tỷ giá hối đoái khác (giữa đồng NDT với một đồng tiền khác trong giỏ tiền tệ quốc tế) mang lại sự hiệu quả hơn cho họ”.

PBoC nhấn mạnh rằng việc định giá dựa trên giỏ tiền tệ quốc tế không có nghĩa là đồng NDT sẽ phụ thuộc vào giỏ tiền tệ này, và điều này “sẽ góp phần duy trì tỷ giá hối đoái của đồng NDT về cơ bản ổn định”.

Ông Zhang khẳng định một khi giới đầu tư hiểu được cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái dựa trên giỏ tiền tệ quốc tế, tình trạng bán tháo đồng NDT sẽ giảm. Hơn nữa, giới chức trách liên tục khẳng định rằng họ không có ý định thực hiện bất cứ sự phá giá đồng NDT nào trong bối cảnh những đóng góp của thương mại quốc tế đối với tăng trưởng kinh tế đã giảm sút.

Một bài xã luận trên trang web của PBoC khẳng định: “Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu Trung Quốc đã giảm trong năm 2015, song tổng sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc ra thế giới vẫn tăng. Trung Quốc không cần phải thúc đẩy xuất khẩu và ổn định tăng trưởng bằng cách hạ giá đồng nội tệ để tạo sức cạnh tranh cho xuất khẩu”.

Ông Liu đề xuất rằng điểm mấu chốt là phải giữ đồng NDT cơ bản ổn định trong trung hạn và dài hạn theo chương trình cải cách của Trung Quốc, với các biện pháp tăng tốc sự quốc tế hóa đồng NDT. Một đồng NDT tương đối ổn định sẽ giúp Trung Quốc tăng khả năng sản suất, phát triển công nghệ, thúc đẩy đầu tư và thương mại qua biên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục