Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, Đà Nẵng: Đề nghị giữ lại các di tích ở làng Nam Ô

17:02' - 29/03/2018
BNEWS Trong vệt giải tỏa để xây dựng Khu du lịch sinh thái Nam Ô có đi ngang qua các di tích thờ phụng mà nhân dân và các chư phái tộc làng Nam Ô đang gìn giữ.

Ngày 29/3, Văn phòng Quận ủy Liên Chiểu, Đà Nẵng cho biết, đã có văn bản gửi lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đề nghị giữ lại các di tích tín ngưỡng truyền thống làng Nam Ô nằm quanh khu vực Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô.
Làng Nam Ô thuộc địa phận phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Làng nằm cạnh Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam, cách trung tâm thành phố khoảng 13 km về phía Tây Bắc; phía Đông giáp vịnh Đà Nẵng, phía Tây giáp với xã Hòa Bắc và Hòa Liên (huyện Hòa Vang), phía Bắc cận sông Cu Đê và phía Nam giáp với làng Xuân Thiều.

Làng được hình thành song song với quá trình mở đất phương Nam của cha ông. Trải qua nhiều thế kỷ, tại làng Nam Ô nơi đây đã hình thành nên đời sống tinh thần và tâm linh khá phong phú. Đó là hệ thống di tích lịch sử, tâm linh có giá trị.

Trong vệt giải tỏa để xây dựng Khu du lịch sinh thái Nam Ô có đi ngang qua các di tích thờ phụng mà nhân dân và các chư phái tộc làng Nam Ô đang gìn giữ.
Ông Võ Công Chánh, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu cho biết: Khu vực làng Nam Ô có nhiều di tích tâm linh nên cần xem xét kỹ thực trạng của những di tích này trước khi trùng tu, tôn tạo. Hiện khu vực này có một số di tích như: Miếu âm linh làng Nam Ô (Dinh Cô Hồn); Lăng Ông Nam Ô; Miếu Bà Liễu Hạnh.
Theo nhiều bậc cao niên , có hai sự kiện lịch sử đáng chú ý hình thành nên di tích Dinh Cô Hồn. Trong các trận chiến chống quân Pháp đánh cửa biển Đà Nẵng vào các năm 1858, 1859, 1862, quân lính triều đình của hai đồn Nam Ô và Tấn biển Cu Đê và dân binh địa phương đã tử trận rất nhiều, nên triều đình vua Tự Đức đã sắc dụ cho các dân xã lập âm linh để tưởng nhớ tử sĩ trận vong.

Vua Thành Thái (1889- 1967) khi lên ngôi đã sắc dụ cho các nơi lập Âm Hồn Đàn để tưởng vọng các tử sĩ đã bỏ mình trong biến cố thất thủ kinh đô năm 1885, Miếu âm linh của làng theo đó được tôn tạo.
Theo ngư dân, Lăng Ông Nam Ô (Lăng Ông Ngư) ở Nam Ô được xây dựng từ thời Vua Gia Long yên định cơ đồ (1802). Lúc đầu Lăng có kiến trúc như sườn gỗ, tường đá trát vôi vữa, mái lợp lá kè. Đến năm Tự Đức thứ 4 (1851), lăng được tôn tạo to đẹp hơn.

Năm Bảo Đại thứ 10 (1935), lăng được làm mới, với mái lợp ngói âm dương. Từ đó đến nay, lăng được sửa chữa gia cố nhiều lần nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, tôn nghiêm, nằm trên khuôn viên rộng chừng 360m2, cách mép nước biển khoảng 50m ở khu vực tổ 35 phường Hòa Hiệp Nam. Lăng là nơi cất giữ hài cốt cá Ông đã được cải táng.

Cách Lăng Ông khoảng 300m về phía Nam là mộ Cá Voi. Tương truyền Cá Voi sau khi bị lụy trôi dạt vào bờ sẽ được người dân mai táng, sau ba năm, người dân sẽ mang hài cốt cá ông đến chỗ Lăng Ông để thờ cúng.
Miếu Bà Liễu Hạnh hiện tọa lạc tại địa phận tổ 37, Khu phố Nam Ô II/1, phường Hòa Hiệp Nam; nằm về phía bắc khu dân cư, sát mé Nam chân núi gành Nam Ô, cách đường Nguyễn Lương Bằng 300m về hướng Đông.

Miếu Bà Liễu Hạnh được xây dựng năm 1602, gắn với tục thờ mẫu của cư dân Đại Việt trên vùng đất mới, được nhân dân làng Nam Ô lưu truyền nhiều đời qua sự tích mà các nhà nghiên cứu thời nay đã xác nhận. Bà Chúa Liễu Hạnh nằm trong tín ngưỡng đặc biệt của dân tộc là tục thờ “tứ bất tử” gồm: Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh.

Tục thờ Bà Chúa Liễu Hạnh trong “Tứ bất tử” là một giá trị văn hóa tinh thần rất đẹp của dân tộc nói chung và là công trình thờ phụng cụ thể hóa niềm tín ngưỡng tâm linh của dân làng Nam Ô nói riêng.
Nhằm bảo tồn tín ngưỡng tâm linh truyền thống mà nhân dân và các chư phái tộc làng Nam Ô đang gìn giữ; thúc đẩy phát triển du lịch tốt hơn, Thường trực Quận ủy Liên Chiểu đề xuất giữ lại vị trí hiện trạng các di tích trên.

Đề xuất của Thường trực Quận ủy Liên Chiểu đã được sự thống nhất giữa Tập đoàn Trung Thủy (chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái Nam Ô) và UBND quận Liên Chiểu.

Lãnh đạo quận Liên Chiểu cũng đề nghị Thường trực Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo UBND thành phố quy hoạch lại dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô chừa lại lối đi để người dân đến chăm sóc, giữ gìn các di tích và du khách đến tham quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục