Dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 chậm tiến độ, nhiều hộ dân chưa được tái định cư

18:20' - 15/05/2018
BNEWS Dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông Intracom làm chủ đầu tư nằm trên địa phận 2 xã Cẩm Thành, Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.

Dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 được khởi công từ năm 2013. Tổng số hộ dân phải di rời là 1.206 hộ, mục tiêu đến năm 2016 sẽ hoàn thành dự án, thế nhưng đã 5 năm trôi qua, dự án này đang bị chậm tiến độ do vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 đang bị chậm tiến độ. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Hiện vẫn còn 29 hộ dân tại 4 xã Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Thạch, Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy) chưa chấp nhận nhường đất, di rời do tiền đền bù thấp, không đủ để mua nhà và tìm việc làm mới.
Cẩm Thủy là huyện miền núi nghèo, cuộc sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2013, chủ đầu tư khởi công, xây dựng dự án thủy điện Cẩm Thủy 1, người dân nơi đây vui mừng vì sắp có nhà máy cung cấp điện lớn nhằm cung cấp điện cho quốc gia và tạo thêm việc làm cho người lao động.
Để dự án được triển khai, UBND Cẩm Thủy đã phối hợp với chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng giai đoạn 1, thu hồi đất của các hộ có diện tích đất tại công trường xây dựng nhà máy thủy điện. Năm 2016 huyện tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 (thuộc dự án thủy điện Cẩm Thủy 1) tại các xã thuộc vùng ảnh hưởng của dự án. Do mức đền bù thấp nên nhiều hộ dân không chấp nhận vì nếu giao đất thì các hộ dân không đủ tiền mua nhà, tái sản xuất và học nghề mới.
Tại xã Cẩm Thành, có khoảng 426 hộ dân bị ảnh hưởng, phải nhường đất cho dự án, hiện có 9 hộ dân trong xã thuộc diện nhường đất nhưng vẫn không di dời vì nếu đi cũng không biết đi đâu, đất tái định cư thì chưa có, tiền đền bù cũng chưa nhận.
Bà Nguyễn Thị Ngát, thôn Thành Long 2, xã Cẩm Thành cho biết, gia đình bà thuộc diện lòng hồ thủy điện và nằm ở mặt đường 217, theo quy định phải được đền bù giá cao. Tuy nhiên, do địa chính xã và Phòng Tài nguyên Môi trường huyện vẽ sai vị trí thành đất trong ngõ, mỗi mét đất bà chỉ được trả 200 nghìn đồng, tổng diện tích đất nhà bà hơn 1.100 mét nhưng chỉ được bồi thường 402 triệu đồng.
Hiện gia đình bà muốn đi cũng không được, ở cũng không xong vì không có tiền mua đất tái định cư, bà mong các cấp có thẩm quyền xem xét, tăng tiền đền bù cho gia đình.
Chị Hà Thị Điểm, thôn Thành Long 2, xã Cẩm Thành cho biết, nhà chị vào diện ngập lòng hồ thủy điện. Tuy nhiên, chị chỉ được đền bù 200 nghìn đồng/mét đất ở, 17 nghìn đồng/mét đất trồng cây lâu năm, tổng diện tích đất của gia đình chị là 600 m2 nhưng chỉ được bồi thường 45 triệu đồng.

Hiện tại gia đình chị làm thêm vật liệu xây dựng, kí hợp đồng thuê 8 người gồm lái xe, công nhân, trong 1 năm, không làm gì vẫn phải trả lương. Chị có nguyện vọng được các cấp xem xét tăng mức đền bù cho gia đình.
Ông Cao Minh Tự, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành cho biết, Cẩm Thành là xã miền núi nên việc tổ chức đất tái định cư rất khó khăn, phức tạp. Các hộ dân nhu cầu không nhiều nhưng mặt bằng tái định cư chưa có, chỉ có những khoảng đất ít trong diện tích tái định cư, do đó còn nhiều khó khăn.
Một thực tế cho thấy còn một số hộ dân chưa chấp nhận phương án đền bù, những mảnh đất thuộc đường quốc lộ, nhưng bị cho là đất nằm trong ngõ, trong khi có những mảnh đất nằm ven đê lại được bồi thường rất nhiều. Hiện nhiều hộ vẫn đang sống tại khu vực lòng hồ, trong khi tháng 6 tới là lúc mùa mưa bão đến gần, sẽ rất nguy hiểm nếu các hộ dân vẫn còn ở đây.
Ông Phan Trọng Khánh, Phụ trách Ban quản lý dự án thủy điện Cẩm Thủy 1, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông Intracom cho biết, công ty đã thanh toán hết tiền đền bù cho người dân, UBND huyện cũng đã xác nhận giấy chứng nhận đất cho công ty. Tuy nhiên khi phóng viên hỏi vì sao dự án chậm tiến độ và nhiều hộ dân chưa nhận tiền đề bù thì ông Khánh không trả lời được.
Theo bà Mai Thị Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, số hộ dân đang vướng mắc về việc đền bù, huyện đã kiến nghị với tỉnh, tỉnh đã giải quyết cho nhân dân, nhưng các hộ dân vẫn không đồng ý với mức giá bồi thường theo quy định nên huyện đang tiếp tục báo cáo tỉnh.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận động nhân dân nhận tiền bồi thường, nhường đất cho dự án, đối với các hộ mất đất ở, huyện sẽ hỗ trợ các hộ tiền thuê nhà 6 tháng, các hộ có nhu cầu đất ở huyện cũng bố trí đất ở cho các hộ ổn định sản xuất. Còn những hộ mất đất sản xuất, huyện sẽ hỗ trợ các hộ tìm kiếm ngành nghề khác, có thu nhập. Hiện chủ đầu tư đã có kế hoạch tích nước, chạy thử, huyện đang cố gắng hoàn thành giải phóng mặt bằng trước 30/5.
Dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 có công suất 28,8 MW nhằm cung cấp cho hệ thống điện quốc gia và kết hợp làm hồ chứa, tăng đầu nước phục vụ tưới nông nghiệp. Kinh phí thực hiện dự án trên 1.300 tỷ đồng, tổng diện tích đất thực hiện dự án là 481 ha.
Dự kiến, tháng 6 này nhà máy sẽ tích nước, phát điện, liệu công trình này có thể hoạt động được không, khi mà các hộ dân chưa được di rời và đền bù thỏa đáng. Rất mong các cấp có thẩm quyền sớm đưa ra giải pháp khắc phục để bà con có nơi ở mới, ổn định cuộc sống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục