Dự báo giá cà phê tuần từ 13/2 - 18/2

15:21' - 14/02/2017
BNEWS Dự báo giá cà phê tuấn này có thể đi xuống, áp lực tiêu pha ngày tết không còn, lượng mua bán nội địa giảm mạnh.

Diễn biến thị trường tuần từ 1/2 - 11/2: Giá cà phê tiếp tục giảm so với mức đỉnh gần đây.

Trên sàn kỳ hạn robusta London - nơi người kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng làm tham chiếu, giá đóng cửa từ mức cao nhất niên vụ 2016/17 là 2262 USD/tấn cho kỳ hạn giao hàng tháng 05/2017 lập trong tháng 01/17 đã giảm xuống còn 2257 USD/tấn ngày 01/02/17 tức ngày mồng 5 Tết Đinh Dậu.

Sau đó giá cà phê tiếp tục giảm 5 phiên liền để chạm mức 2136 Usd/tấn và chỉ phục hồi tại 2 ngày mới đây để chốt ở mức 2159 USD/tấn. Như vậy, tính đến nay trong tháng 02/17 giá đóng cửa sàn robusta đánh mất 98 USD/tấn.

Giá cà phê trên thị trường kỳ hạn.

Diễn biến giá sàn kỳ hạn arabica tại New York cũng đi cùng chiều tương tự: từ mức cao đầu tháng là 152.55 cts/lb (cent/pound), xuống còn 145.05 cts/lb và hồi phục nhẹ cuối tuần trước 148.15 cts/lb.

Giá kỳ hạn robusta xuống khi có thông tin nông dân Brazil không đồng tình với đề xuất cho nhập khẩu cà phê robusta của ngành chế biến cà phê hoà tan trong nước. Họ lấy lý do hạn hán trước đây làm hụt sản lượng robusta và làm giá nội địa loại này tăng lên cao tại Brazil.

Tuy nhiên, nguyên nhân giảm thực sự của sàn kỳ hạn robusta là các quỹ đầu tư thanh lý lượng dư mua “hàng giấy” khổng lồ tồn đọng  trên 470.000 tấn tại sàn kỳ hạn robusta.

Dự báo tuần này (13/2 - 18/2): áp lực của những lệnh chốt giá bắt buộc

Vào ngày 09/02/07, giá giao dịch kỳ hạn robusta chạm mức 2123 USD/tấn để rồi phục hồi về 2159 Usd/tấn ở phiên cuối tuần 10/02/17. Về kỹ thuật, mức điều chỉnh 50% của khung dao động từ mức 1969 đến 2279 nằm tại 2119 USD/tấn xem như đã hoàn thành. Nếu chỉnh xuống nữa, mức 61,8% nằm tại 2085 USD/tấn.

Tuy nhiên, thay vì theo đà giảm, đợt phục hồi cuối tuần lên 2159 USD/tấn được cho rằng các quỹ đầu tư tạm thời dừng thanh lý lượng dư mua, làm giảm áp lực bán ra lên giá cà phê. Khối lượng quyết toán ở đợt vừa qua ước còn 150.000 tấn của tổng lượng dư mua hàng “giấy” còn chừng 320.000 tấn.

Trên sàn kỳ hạn arabica tại New York, đóng cửa cuối tuần tại mức 148.15 cts/lb, nằm trên đường bình quân động 200 ngày đó là 146.50. Hiện tượng này làm nhiều người tin rằng giá xuống vùng 145 cts/lb đã làm tròn nhiệm vụ và sẵn sàng cho một đợt phục hồi mới.

Tuy nhiên, thực tế tuần này, sàn arabica tại New York chính thức chuyển sang giao dịch tháng 05/17 thay cho tháng 03/17 vì đã đến ngày thông báo giao hàng đầu tiên ở 17/02/17. Các lệnh chốt giá mua bán arabica “hàng giấy” kể cả hàng thực phải hoàn thành trước đó vài ba ngày. Sức ép chốt giá arabica trong vài ngày đầu tuần tới có thể sẽ xuất hiện và làm giá New York yếu.

Trong khi đó, sàn robusta cũng chỉ còn đúng 2 tuần nữa, mọi hợp đồng xuất khẩu giao sau dựa trên cơ sở tháng 03/17 buộc phải chốt bán. Như vậy, khả năng giá tăng mạnh đột biến trên 2 sàn cà phê kỳ hạn khó xảy ra ít nhất đến hết tuần này. Khuynh hướng chung đi ngang hoặc yếu.

Thị trường cà phê trong nước: Áp lực chốt giá bán hàng giao kho thực sự là mối lo cho giá nội địa.

Giá cà phê nội địa mất đỉnh tạm thời 47,2 triệu đồng/tấn lập trước tết nguyên đán và quay về 45,5 triệu đồng/tấn cuối tuần qua.

Giá xuống, áp lực tiêu pha ngày tết không còn, lượng mua bán nội địa giảm mạnh. Nói vậy nhưng vẫn không thể xem thường áp lực bán của một bộ phận doanh nghiệp: do tâm lý sợ giá bấp bênh xuống tiếp khi thông tin khối lượng tồn kho thương mại còn nhiều và thời tiết thuận lợi tại các vùng trồng cà phê Brazil, họ sẽ chốt bán hàng thực đã giao kho.

Nếu hiện tượng này đi kèm với các quỹ đầu tư trên sàn thanh lý lượng dư mua tồn đọng, điều này sẽ gây khó khăn cho giá nội địa.

Tuy nhiên, rất hy vọng khi giá kỳ hạn robusta khi quay xuống quanh mức 2100 USD/tấn, các nhà rang xay và giới kinh doanh hàng giấy lẫn hàng thực quay sang mua, sẽ hỗ trợ giá kỳ hạn và nội địa.  Miễn là giá kỳ hạn đừng đóng cửa dưới mức 2100 Ud/tấn, giá nội địa sẽ còn đứng bằng hay trên mức 45 triệu đồng/tấn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục