Dự báo giá cà phê tuần từ 3/7 - 7/7

10:07' - 04/07/2017
BNEWS Dự báo giá cà phê tuần từ 3/7 - 7/7 sẽ tăng.

Diễn biến thị trường từ 26/6 - 30/6: Phiên cuối tháng giá kỳ hạn robusta tăng cực mạnh.

Tuần qua, trong khi thị trường kỳ hạn cà phê arabica giao dịch ở vùng thấp nhất tính từ hai năm trở lại đây, sàn robusta bung lên mạnh (xem hình 1).

Nếu 03/07/17 là ngày thông báo giao hàng đầu tiên cơ sở tháng 07/2017 thì ngày 30/06 là ngày hết quyền chốt giá các hợp đồng hàng thực lấy tháng ấy làm cơ sở mua bán. Đó cũng là ngày cuối tuần, cuối tháng và cuối quý. Cứ tưởng áp lực chốt giá bán các hợp đồng hàng thực còn treo sẽ làm giảm giá kỳ hạn robusta.

Nhưng giá phiên giao dịch 30/06 không làm người còn hàng thất vọng. Giá tháng 07/2017 đã vượt cao lên trên tất cả tạo nên thế nghịch đảo đẹp mắt kéo các tháng phía sau tăng theo một cách mạnh mẽ.

Hình 1

Trong phiên “cuối” ấy, có lúc giá tháng 07/17 lên mức 2231 USD/tấn và tháng 09/17 chạm 2177 USD/tấn. Tuy nhiên, do lực kéo xuống của một sàn arabica New York yếu (đóng cửa 125.70-0.65 cts/lb), đã đưa giá tháng giao dịch chính hiện nay là tháng 09/2017 còn 2149 tăng 17 USD/tấn khi đóng cửa. So với cuối tuần trước tăng 71 USD/tấn với London và New York tăng 2.70 cts/lb.

Dự báo giá cà phê tuần từ 3/7 - 7/7: Các yếu tố kỹ thuật nội và ngoại tại đều ủng hộ giá robusta.

Từ thấp hơn giá niêm yết tháng 09/17, giá kỳ hạn robusta London tháng 07/17 nhảy lên cao hơn tháng 09/17 đến 9 Usd và cao hơn tháng 03/2018 đến 77 USD/tấn.

Hình 2: Đồ thị diễn biến chỉ số đồng USD

Một trùng hợp lý thú là đúng thời điểm chỉ số USD giảm, giao dịch xuống còn 95+ điểm so với vài ngày trước đó giao dịch mức trên 97 điểm (xem hình 2), giá kỳ hạn robusta càng có cơ hội “làm bàn”.

Hình 3: Đồ thị kỹ thuật sàn kỳ hạn robusta London

Vượt qua mức 2149 USD, giá kỳ hạn robusta có thêm xung lực đẩy lên cao 2177 là đỉnh của phiên 30/06/17. Tiếc rằng ngay lập tức giá dịu lại do các nước sản xuất và các quỹ đầu cơ bán ra, cộng với New York yếu, đã không thể đưa giá London đi xa hơn trong phiên quan trọng cuối tuần trước.

Tuy nhiên, đồ thị sàn này vẫn chưa tỏ ra yếu vì nếu lấy điểm chuẩn bắt đầu từ đáy 1987 kéo men theo kênh tăng từ thời điểm đó, sức rướn phải chạm 2200 USD/tấn (xem lại hình 3). Như vậy, vùng giá kỳ vọng cho tuần này trên sàn London là từ 2149 USD lên đến 2200 Usd.

Qua khỏi 2.200 USD lại là một khu vực bùng nổ đang được chờ đợi. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kỳ vọng khu vực trên 2200 USD vì các yếu tố tiền tệ, mua bán giá cách biệt giữa hai sàn arabica và robusta cũng như ở khu vực này, thị trường nghi các quỹ đầu cơ bán để giảm lượng dư mua cũng như các nước sản xuất quay lại bán trên London tạo áp lực.

Thị trường cà phê trong nước: Dù giá có tăng, bán cà phê không dễ

Giá cà phê nội địa giao dịch cuối tuần quanh mức 46 triệu, cao hơn tuần trước 1 triệu đồng/tấn.

Dù giá kỳ hạn tăng 77 USD sau một tuần, giá nội địa chỉ tăng tương đương với chừng 45 USD/tấn. Điều này chứng tỏ rằng hiện tượng “vắt giá” chỉ đa phần để giải quyết các vấn đề tài chính hơn nhu cầu mua hàng thực.

“Vắt giá” thường được hiểu là do thị trường thiếu hàng, buộc các nhà kinh doanh nâng giá mua hàng giao ngay để giải quyết giao hàng các hợp đồng còn nợ. Vắt giá đợt này có lẽ không phải xuất phát từ lý do đấy.

Hàng tồn kho trong nội địa Việt Nam chủ yếu nằm trong tay một vài hãng kinh doanh nước ngoài (còn chừng 300.000 tấn), cộng với hàng tồn kho đạt chuẩn robusta của họ thuộc sàn quản lý ở các cảng châu Âu còn 166.480 tấn (tính đến 21/06/17).

Ép giá tăng để siết những ai thiếu hàng giao (phải mua giá cao) và những ai còn ở vị thế bán hàng giấy sợ mà phải thoát trong thua lỗ. “Vắt giá” là ép siết cho người thiếu hàng thực/giấy thua lỗ do bán trước giá thấp nay mua giá cao để thanh lý.

Đây là thời điểm thuận lợi nhất để người có hàng giao hàng tranh thủ giá cao. Điều đó không có nghĩa rằng nên mua trữ.

Vì sao? Một khi các nhà đầu tư tài chính giải quyết xong vấn đề tài chính, giá sẽ đổ nhanh và người trữ hàng có thể thiệt hại lớn và phải ôm hàng giá cao lâu dài nếu mua trữ giai đoạn này.

Giá cà phê nội địa vẫn còn khả năng tăng, nhưng nhu cầu mua của các nhà nhập khẩu hàng thực không lớn vì như đã nói, đây là một trò chơi tài chính, thường các nhà kinh doanh hàng thực ít ham chuộng đầu cơ “kính nhi viễn chi”.

Giá kỳ vọng tuần này khu vực quanh mức 2.200 USD/tấn, thì giá nội địa có quyền hy vọng lên thêm 0,5-1 triệu đồng/tấn tính trên giá nội địa đang mua bán trao tay tại các tỉnh Tây nguyên cuối tuần qua.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục