Du lịch 2016: Mở thêm thị trường mới, tiềm năng

07:46' - 03/03/2016
BNEWS Một trong những “mũi nhọn” mà Tổng cục Du lịch đang đầu tư là đẩy mạnh công tác truyền thông qua Internet phủ sóng du lịch Việt Nam đến nhiều nơi trên thế giới.

Sau 13 tháng sụt giảm về lượng khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, những tháng gần đây, tình trạng này cơ bản đã được cải thiện. Một trong những giải pháp được du lịch Việt Nam thực hiện đó là đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch. Điểm nhấn trong năm nay của ngành du lịch là tập trung hướng vào những thị trường mới, thị trường tiềm năng. 

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên TTXVN xung quanh những nội dung này.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường, Tổng cục Du lịch.

BNEWS: Giải pháp thu hút khách du lịch đến với Việt Nam là triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch nhưng việc thực hiện chưa được như mong muốn. Ông có thể cho biết chiến lược của ngành du lịch trong thời gian tới là gì?

Ông Đinh Ngọc Đức: Trong chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch, chúng tôi luôn xác định một loạt thị trường cần phải hướng tới nhưng với nguồn lực cho công tác xúc tiến quảng bá có hạn thì thị trường khách vẫn còn hạn chế.  Trong thời gian tới chúng tôi đang tập trung vào một số thị trường. Thứ nhất là thị trường châu Âu.

Thứ hai là thị trường Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc vì đây là những nước trong thời gian qua, tỷ trọng khách đến Việt Nam rất cao (khoảng 50%). Thứ ba là những nước ASEAN và những nước trong khu vực vì đó là thị trường tiềm năng và Việt Nam đang cùng với các nước trong khu vực bước vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung vào những thị trường mới, những thị trường thu hút du khách tốt như Australia, Ấn Độ và một số thị trường Nga và những nước nói tiếng Nga.

Trong chiến lược quảng bá, xúc tiến của du lịch Việt Nam, một trong những “mũi nhọn” mà Tổng cục Du lịch đang đầu tư là đẩy mạnh công tác truyền thông qua Internet (Internet Marketing hay còn gọi e-marketing).

Những lợi ích của loại hình này mang lại là rút ngắn khoảng cách địa lý, tiếp thị quảng bá đến toàn cầu, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí…Nguồn lực để thực hiện không chỉ là từ ngân sách Nhà nước vì nguồn này còn hạn chế mà sẽ huy động nguồn lực từ các công ty lữ hành, từ các hãng hàng không và các đối tác trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng trình Chính phủ sớm thành lập Quỹ phát triển du lịch để sớm có nhiều nguồn lực hơn cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch.

Năm nay, ngành du lịch cũng sẽ tập trung tham gia các hội chợ và các hoạt động lớn. Tuy nhiên, sẽ không dàn trải ở tất cả các hội  chợ mà tập trung vào một số hội chợ lớn tại Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu.

Tại đây, sẽ không đơn thuần chỉ là tổ chức gian hàng mà sẽ trưng bày giới thiệu sản phẩm, kết nối họp báo, gặp gỡ các doanh nghiệp và tổ chức giới thiệu du lịch Việt Nam, hoặc kết nối với một số nước xung quanh để có thể thực hiện một sự kiện có thể thực hiện được nhiều hoạt động.

Mảng hoạt động thứ hai có hiệu quả đó là mời các đoàn famtrip, presstrip từ các thị trường nguồn đến khảo sát, tham quan, đưa tin về du lịch Việt Nam; tổ chức các đoàn famtrip, presstrip của Việt Nam ra nước ngoài để khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch.

Cụ thể là mời các hãng lữ hành điều hành tour, đến khảo sát sản phẩm, điểm đến; mời báo chí truyền hình viết bài giới thiệu điểm đến của du lịch Việt Nam và mời một số đoàn làm phim quay những điểm đến của Việt Nam để giới thiệu trong những phim của họ. Tôi cho đó là giải pháp tốt cho xúc tiến quảng bá cho du lịch Việt Nam trong dài hạn.

BNEWS: Trong công tác xúc tiến quảng bá, việc miễn thị thực vừa qua đã giúp cho Việt Nam thu hút được nhiều du khách quốc tế đến với Việt Nam. Vậy trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục triển khai như thế nào, thưa ông ?

Ông Đinh Ngọc Đức: Trên cơ sở đề xuất của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chính phủ đã quyết định miễn thị thực cho khách du lịch đến từ một số nước châu Âu gồm Italia, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Belarus và Vương quốc Anh.

Đồng thời, giảm lệ phí visa và ban hành văn bản miễn visa cho người Việt ở nước ngoài. Việt Nam cũng đã được cung cấp miễn thị thực đơn phương cho khách du lịch từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga và Belarus cũng như cấp miễn thị thực song phương với du khách đến từ 9 quốc gia Đông Nam Á.

Tăng cường thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Với quyết định này, chúng tôi tập trung tới những du khách có chi tiêu nhiều, lưu trú dài tại Việt Nam. Không chỉ công dân ở những nước trên, chúng tôi cũng có mục đích thu hút cả công dân ở những nước khác đang lưu trú sinh sống tại các nước trong khu vực.

Chẳng hạn như ở Thái Lan, Hong Kông (Trung Quốc), Singapore… Du khách nước này là những người cuối tuần có thể sang Việt Nam du lịch và đây là nguồn khách du lịch rất tốt.

Về diện mở rộng đề xuất miễn thị thực chúng tôi đang có đề án trình Chính phủ cho phép miễn thị thực cho khách du lịch không xét quốc tịch với những tour trọn gói để tạo điều kiện cho những doanh nghiệp lữ hành tổ chức tốt tour trọn gói có thể thu hút khách và chúng ta cũng quản lý tốt hơn lượng khách vào Việt Nam. Hy vọng rằng, với những “cú hích” này sẽ thu hút được lượng khách quốc tế lớn vào Việt Nam. 

BNEWS: Năm nay, sẽ có nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký kết hoặc có hiệu lực. Điều này sẽ mở ra cơ hội nhưng sẽ mang lại thách thức không chỉ với ngành kinh tế mà sẽ tác động đến lĩnh vực du lịch. Theo ông, ngành du lịch có những giải pháp gì đến đón đầu những thách thức này?  

Ông Đinh Ngọc Đức: Đối với ngành du lịch, khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay như gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi. Đó là sự gia tăng của dòng khách nội khối tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam; việc nới lỏng điều kiện tự do đầu tư và di chuyển lao động giữa 12 nước nội khối và các nước trong ASEAN sẽ giúp tăng nhu cầu đi lại tìm kiếm cơ hội đầu tư, tìm kiếm việc làm kết hợp với du lịch.

Theo đó, sẽ gia tăng dòng du khách quốc tế và tăng cường mật độ, quy mô các loại hình du lịch- kinh doanh, du lịch- hội họp ngay trong nội khối TPP và AEC mà Việt Nam là một thành viên. Mặt khác, đa số các thành viên TPP cũng đã cam kết về mở cửa thị trường khách kinh doanh cho nhau.

Ngoài ra, cơ hội mà riêng TPP cũng như mang lại cho ngành “công nghiệp không khói” của Việt Nam đó là du khách quốc tế sẽ có cơ hội làm thủ tục thuận lợi, dịch chuyển nhanh và rẻ hơn nhờ những cam kết nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh trong khuôn khổ TPP.

Mặt khác, các thành viên TPP đều thông qua và duy trì trong hệ thống văn bản pháp luật của mình quyền cơ bản của người lao động như được thừa nhận trong Tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Vì vậy, sẽ giúp nâng cao điều kiện làm việc, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; trong đó có lao động ngành du lịch.

Sau WTO là TPP và chúng ta đang đứng trước cơ hội về đầu tư, kinh doanh, thị trường rất lớn. Để chủ động hội nhập buộc chúng ta cần phải có cách tiếp cận mới, đủ khả năng thích ứng với các cam kết trong nội khối. Tuy nhiên, hiện thách thức nặng nề nhất là khối doanh nghiệp lữ hành. Bởi khi thực hiện cam kết trong TPP doanh nghiệp nước ngoài sẽ đưa khách vào thị trường trong nước buộc doanh nghiệp nội phải chia sẻ thị phần.

Nếu không có năng lực và có một chiến lược cạnh tranh doanh nghiệp nội sẽ rất dễ thua trên sân nhà…  Do vậy, ta cần xem xét các quy định, rào cản để bảo vệ cho doanh nghiệp trong nước. Ngược lại, doanh nghiệp cũng phải chủ động nâng cao năng lực, liên kết tạo sản phẩm hấp dẫn nhằm gia tăng thị phần.

Ngoài ra, với ngành du lịch nói chung cần có bước chuẩn bị để phát triển sản phẩm phù hợp, hướng tới dòng khách kết hợp kinh doanh, hội họp khi lưu chuyển thương mại, đầu tư, dịch vụ trong nội khối TPP được tạo ra; tập trung vào chất lượng và hiệu quả khai thác khách hơn là số lượng.

Mặt khác, phải tạo điều kiện đi lại thuận lợi hơn cho du khách, kết nối có hiệu quả giữa du lịch và các lĩnh vực khác như giao thông, thương mại, ngoại giao, cải thiện năng lực cạnh tranh về điểm đến trong khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, một số tồn tại như môi trường du lịch, tình trạng đeo bám du khách, trộm cắp, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm cần giải quyết một cách triệt để. Đồng thời, tích cực tăng cường liên kết, kết nối trong khu vực để đa dạng hóa sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá thu hút khách từ nước thứ ba, cũng như trao đổi khách giữa các nước./.

BNEWS: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục