Du lịch chưa khai thác hết tiềm năng do tính kết nối thiếu chặt chẽ

18:44' - 07/10/2016
BNEWS Theo các đại biểu, sản phẩm du lịch của các địa phương còn trùng lặp, không nổi trội; tính kết nối giữa các điểm đến du lịch chưa chặt chẽ, chưa khai thác được hết tiềm năng của từng địa phương…
Tính kết nối điểm du lịch tại các địa phương chưa chặt chẽ. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 7/10, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển du lịch bền vững từ thực tiễn của các tỉnh, thành phía Nam”.

Theo các đại biểu, trong những năm qua, ngành du lịch các tỉnh, thành phía Nam phát triển chưa xứng với tiềm năng và chưa thật sự bền vững.

Du lịch trong vùng vẫn còn một số tồn tại như: Công tác quản lý điểm đến và quản lý môi trường du lịch còn yếu và nhiều bất cập; nguồn nhân lực du lịch thiếu và yếu; nhận thức về phát triển du lịch của người dân và chính quyền địa phương chưa được đầy đủ; hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch cùng với hệ thống giao thông chưa đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu phát triển; chính sách ưu đãi phát triển du lịch còn thiếu; phối hợp liên ngành, liên địa phương, liên vùng trong phát triển du lịch chưa chặt chẽ.

Các đại biểu cũng thẳng thắn thừa nhận, sản phẩm du lịch của các địa phương còn trùng lặp, không nổi trội; tính kết nối giữa các điểm đến du lịch chưa chặt chẽ, tour, tuyến du lịch chưa phong phú, chưa khai thác được hết tiềm năng của từng địa phương…

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: Để du lịch phát triển bền vững là phải từ cộng đồng, do cộng đồng thực hiện, đem lại lợi ích thiết thực cho họ. Thế nhưng, hiện nay, nhận thức của một số cán bộ, người dân còn nhiều bất cập nên cần phải thay đổi. Bên cạnh đó, việc đảm bảo môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… cần được phải quan tâm đúng mức để tạo uy tín, yên tâm cho khách tham quan du lịch.

Tại hội thảo, các địa biểu đã đề xuất một số giải pháp để phát triển bền vững du lịch các tỉnh, thành phía Nam như: Tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch của địa phương; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa dưới nhiều hình thức; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản lý, vận hành các hoạt động du lịch; thực hiện hợp tác quốc tế phát triển du lịch từ kết nối tour đến mời gọi đầu tư; phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ an ninh – quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Bên cạnh đó, các địa phương cần xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, có sự tham gia của liên ngành, liên vùng; tạo được được sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, việc xây dựng thương hiệu du lịch, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, loại hình du lịch phải được chú trọng thực hiện thường xuyên; xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt, hấp dẫn...

Năm 2015, các tỉnh, thành phía Nam đón 68,9 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng lượt khách du lịch quốc tế đi lại trong vùng đạt hơn 8,2 triệu lượt người./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục