Du lịch đường thủy Tp. Hồ Chí Minh – Bài 2: Đồng bộ du lịch-vận chuyển

19:22' - 02/02/2019
BNEWS Việc phối hợp đồng bộ giữa du lịch đường thuỷ và vận tải thuỷ sẽ mang lại hiệu quả cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Tp. Hồ Chí Minh xác định du lịch đường thủy là một trong các sản phẩm du lịch chủ lực và đặc trưng. Việc tận dụng khai thác được các tiềm năng này vừa giải quyết vấn đề thu hút du khách đến lưu trú với thời gian dài; đồng thời, tạo sự hấp dẫn cuốn hút du khách quay trở lại.

Cách làm này góp phần tăng tổng doanh thu ngành du lịch, phát triển xã hội và cộng đồng.

Hội tụ đủ điều kiện

Du lịch đường thủy Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Trên thế giới, sản phẩm du lịch đường sông là phổ biến và mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.

Tiêu biểu như các Thành phố: Paris (Pháp), Venice (Italy), Amsterdam (Hà Lan)… đều sở hữu dòng sông uốn lượn bên cạnh tòa nhà, công trình kiến trúc đặc sắc. Tất cả tạo nên bức tranh hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên ban tặng và giá trị di sản lịch sử do con người tạo ra.

Trở lại hệ thống đường sông tại Tp. Hồ Chí Minh, được xếp vào vị trí thứ hai của cả nước, chỉ sau hệ thống sông Đồng bằng Sông Cửu Long, thêm vào đó, giao thông vận tải đường thủy thành phố có ý nghĩa quan trọng, kết nối với các tỉnh miền Đông Nam bộ, kết nối sông, biển khu vực miền Trung, miền Bắc và giao thương quốc tế. Hai con sông chính là sông Sài Gòn – Đồng Nai chảy qua cùng hệ thống sông, kênh rạch trên địa bàn kết nối với các tỉnh lân cận trong cả nước.

Hệ thống cảng, bến thủy nội địa phong phú với khoảng 320 cảng, có bốn cảng biển chính gồm: Sài Gòn, Bến Nghé, Nhà Bè và Tân Cảng cùng các cảng sông Bình Đông, Tân Thuận, Tôn Thất Thuyết, Bình Lợi, Bình Phước.

Các chuyên gia về địa chất cũng cho rằng, sông Sài Gòn có độ sâu lý tưởng, thuận tiện cho các tàu vận tải có tải trọng lớn và tàu du khách có mớn nước hơn 6 mét đi lại dễ dàng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, dựa vào hệ thống đường thủy tại thành phố, hoàn toàn có thể hình thành tuyến du lịch đường thủy tham quan các điểm đến, di tích lịch sử, bảo tàng tại thành phố.

Đây là một đô thị đa dạng về văn hóa, bắt nguồn từ nguồn gốc dân cư với nhiều tộc người nhập cư liên tục từ khi khởi lập cho đến bây giờ.

Bởi vậy, Sài Gòn có được sự đa dạng về văn hóa và luôn "cởi mở"; để lại cho thành phố này nhiều di tích, tín ngưỡng, tôn giáo, công trình kiến trúc nghệ thuật đa dạng qua nhiều thời đại.

Tuy nhiên, để sản phẩm du lịch đường sông phát triển như mong muốn, ngành du lịch cần chú trọng đầu tư không nên chỉ dựa vào các tuyến sông có sẵn.

Ví dụ, quận 1 (bến Chương Dương) cần có tuyến điểm cho khách, đầu tư các điểm cà phê, quán ăn, cửa hàng lưu niệm sản phẩm văn hóa của Tp. Hồ Chí Minh để có thể trải nghiệm du lịch và ngắm nhìn cảnh quan sông nước.

“Cần có sự đầu tư của các doanh nghiệp và nhà nước để biến cảnh quan bên sông hấp dẫn hơn trong mắt du khách”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu chia sẻ.

Cùng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trâm, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, tiến trình phát triển du lịch đường thủy cần gắn liền với bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua thực tiễn khai thác các giá trị di sản văn hóa ở Tp. Hồ Chí Minh.

Du lịch đường thủy sẽ tạo điều kiện để các quận, huyện cải thiện hình ảnh du lịch thành phố, xây dựng cơ sở hạ tầng bến, bãi, các công trình ven sông, mở ra dịch vụ du lịch đường sông, góp phần giải quyết vấn đề thất nghiệp và xóa đói giảm nghèo. Đây cũng là con đường hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc trưng của thành phố.

Kết nối trong lĩnh vực du lịch

Khách du lịch đi buýt sông tại T.p Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Dù có nhiều tiềm năng phát triển nhưng sản phẩm du lịch đường thủy Tp. Hồ Chí Minh hiện còn khiêm tốn. Theo thống kê ngành du lịch thành phố, trung bình mỗi năm, lượng khách du lịch đường thủy Tp. Hồ Chí Minh chỉ ước đạt 70.000 lượt. Trong khi đó, lượng khách du lịch đường thủy của Thành phố Cần Thơ đạt hơn 1 triệu lượt.

Các chuyên gia lĩnh vực du lịch, văn hóa cho rằng, một trong những vấn đề cần quan tâm trong khai thác sản phẩm du lịch đường sông chính là yếu tố cảnh quan.

Du khách chỉ sử dụng những sản phẩm, dịch vụ mang lại cho họ sự hài lòng, thích thú, tiện lợi. Hiện thành phố vẫn chưa có giải pháp cụ thể cải thiện không gian xung quanh hấp dẫn, lôi cuốn hơn.

Ở góc độ doanh nghiệp, năm 2017, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã đưa vào khai thác 7 tuyến du lịch mới đường sông gồm: Tour du lịch miền Đông; tour tham quan rừng ngập mặn, tour tham quan địa đạo Củ Chi; Tour du lịch nhà vườn; Du lịch hạ nguồn sông Sài Gòn Tân Cảng.

Song song đó, đơn vị tiếp tục khai thác danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa và ẩm thực của thành phố và các khu vực lân cận. Nhưng muốn có hiệu quả cao cần thêm thời gian đầu tư.

Ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cho biết, mặc dù những năm qua, Công ty này tập trung nguồn lực để đầu tư các sản phẩm du lịch đường thủy trên địa bàn, tuy nhiên kết quả chưa như kỳ vọng.

Nguyên nhân do hệ thống cầu tàu, bến bãi neo đậu, điểm dừng chân, dịch vụ dọc hai bên bờ cảnh quan môi trường chưa hoàn thiện khiến việc triển khai, nâng cấp sản phẩm đường thủy hạn chế.

Thạc sĩ Nguyễn Phúc Hùng, Giảng viên Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc khai thác sản phẩm du lịch đường sông cần có sự kết hợp nghiên cứu đưa ra sản phẩm đặc sắc, phù hợp với yếu tố về văn hóa vùng miền mới đạt hiệu quả bền vững.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động đặc trưng như: festival trên sông, giao lưu văn hóa trên sông, hoạt động trình diễn nghệ thuật cần gắn kết thêm.

Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Phúc Hùng, cùng với việc nâng cấp chất lượng sản phẩm cần chú trọng đến việc nâng trình độ năng lực chuyên môn của những người hoạt động lĩnh vực dịch vụ du lịch.

Đội ngũ hướng dẫn viên có nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ tốt đáp ứng yêu cầu của khách du lịch quốc tế cần được xây dựng. Mặt khác, cần có kế hoạch sử dụng người bản địa để khai thác tối đa hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ và nâng cao sự hài lòng của du khách.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, năm 2019, ngành du lịch thành phố đang triển khai các chương trình du lịch kích cầu các điểm đến tại thành phố; trong đó, có các tour tham quan đường thủy nội đô.

Sở Du lịch phối hợp với một số công ty lữ hành và các hãng tàu để có những tour du lịch đường thủy hấp dẫn với mức giá phải chăng, phù hợp đối tượng học sinh sinh viên, công nhân.

Các tour sản phẩm đường sông kết hợp với tham quan bảo tàng tại thành phố sẽ có giá chỉ khoảng 20.000 đồng/người.

Cách làm này góp phần để người dân tại thành phố cảm nhận được du lịch đường thủy là một phương tiện thuận lợi để giao thông, kết hợp với du lịch và dần phát triển du lịch đường thủy trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố.

Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Kim Toản, chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1 mong muốn các đơn vị du lịch cùng phối hợp thực hiện tour du lịch dựa theo các lịch trình hiện có hàng ngày để tạo ra sản phẩm du lịch, như điểm đến tham quan mặc định, thân thương của du khách.

Ở một thành phố mà mỗi con đường, chiếc xe, góc phố, cảnh vườn, lộ trình đều có thể tách ra làm du lịch thì thành phố đó mới là thành phố văn minh, hiện đại.

Riêng về hạ tầng đường sông để phát triển du lịch cần đầu tư ở các bến nước làm sao trở thành nơi để thu hút cộng đồng, có khả năng trung chuyển và kết nối người dân, du khách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục