Du lịch Mice: Khó do đâu?

07:12' - 06/03/2016
BNEWS Du lịch Mice (hay còn gọi là du lịch công vụ) tại Việt Nam có nhiều lợi thế. Thế nhưng, kết quả mà du lịch Mice gặt hái được bấy lâu nay xem ra vẫn thiếu sự chuyên nghiệp.
Việt Nam có đủ lợi thế để thu hút khách du lịch Mice. Ảnh: TTXVN

Không chỉ có cửa ngõ quốc tế chiến lược, Việt Nam còn có đường bờ biển trải dài, cùng với nhiều danh lam thắng cảnh, nét văn hóa đặc trưng của từng vùng. Cùng với việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và là thành viên của khối Cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam hứa hẹn sẽ là nước thu hút vốn đầu tư mạnh trong những năm sắp tới.

Việt Nam còn được đánh giá là điểm đến an toàn trên thế giới, và có kinh nghiệm tổ chức nhiều sự kiện quan trọng APEC 2006, Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 18, Diễn đàn du lịch ASEAN - ATF 2009, ASEAN Summit 2010, Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM thường niên…

So với cùng kỳ năm 2014, thị trường MICE nội địa năm 2015 tăng lên khoảng 15%, còn thị trường nước ngoài có thể tăng tới 20 – 25%. Tại Vietravel, lượng khách MICE của Vietravel trong 7 tháng năm 2015 đạt khoảng 170.000 lượt, tăng 28% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 50% trên tổng lượng khách của đơn vị này. Trong đó, tỉ trọng khách MICE nước ngoài chiếm 37%; khách trong nước chiếm 63%.

Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang và Đà Nẵng có hệ thống cơ sở vật chất đạt chuẩn đã từng tổ chức các hội nghị quốc tế lớn.

Thế nhưng, trở ngại lại chính là cơ sở hạ tầng của các thành phố không đồng đều, các điểm vui chơi giải trí, các trung tâm triển lãm, hội nghị, địa điểm lưu trú, vẫn chưa theo được lượng khách khá lớn từ thị trường Mice. Hay sự thiếu sự nhất quán về giá cả, tiêu chuẩn dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ cũng là một điểm thiếu chuyên nghiệp.

Việc quảng bá và khẳng định thương hiệu Du lịch Việt Nam vẫn còn yếu. Các chiến dịch giới thiệu điểm đến chỉ theo thời vụ, không xuyên suốt. Các bài viết trên các trang báo chuyên đề về Mice ở quốc tế vẫn còn ít, độ phủ sóng không nhiều. Việt Nam cũng chưa có nhiều khóa đào tạo về quản trị Mice hiệu quả.

Ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Du lịch cho rằng, “chính vì điều kiện tiếp cận hàng không của chúng ta còn hạn chế ngay ở trong khu vực, nên sức cạnh tranh của chúng ta trong việc thu hút khách du lịch Mice không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới bị giảm đi nhiều”.

Chẳng hạn, thời gian gần đây có một tập đoàn lớn của Ấn Độ muốn tổ chức một hoạt động cho khách hàng của họ ước tính lên đến vài nghìn người, nhưng do Việt Nam và Ấn Độ chưa có đường bay trực tiếp, mà phải trung chuyển qua Bangkok khiến cho chi phí đi lại đắt đỏ.

Du lịch Mice cần được đầu tư và phát triển. Ảnh: TTXVN

Trong khi, theo ông Cường, nếu công ty đó thuê chuyến bay chuyến dành riêng cho đoàn khách thì chi phí cũng lại quá cao. Chính vì lẽ đó, dù họ có thích đến Việt Nam nhưng trước những vướng mắc ở khâu này nên buộc họ phải chuyển qua nước khác.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận thức về du lịch mice của các doanh nghiệp, những người làm dịch vụ chưa cao. Từ nhận thức đến việc thiết kế các chương trình du lịch của các công ty du lịch từ trước đến nay vẫn còn nhiều vấn đề. Hơn nữa, ngành cũng chưa có một chính sách rõ rệt dành cho du lịch Mice.

Chuyên gia du lịch Phạm Trung Lương nhận định Mice là loại sản phẩm du lịch nếu triển khai thành công sẽ có được nguồn thu đáng kể. “Du lịch Mice không có nghĩa là chúng ta phải có cơ sở vật chất kỹ thuật tốt mà bên cạnh đó, ta phải có những chương trình bên lề, các hoạt động phụ khi mà người ta sau khoảng thời gian làm việc, họp hành để đưa người khách tới những điểm đến xung quanh thành phố nơi tổ chức hội nghị”, ông Lương trăn trở.

Các doanh nghiệp Việt Nam đều có vốn hiểu biết về du lịch Mice nhưng chưa thấm hết về ý nghĩa. Ông Lưu Đức Kế, Tổng giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho hay, việc xúc tiến hoạt động du lịch Mice một cách chuyên nghiệp ở Việt Nam hiện chưa thể thực hiện được, mặc dù nhiều doanh nghiệp có lợi thế từ các mối quan hệ, hệ thống khách sạn…

Để phát triển du lịch Mice hiệu quả hơn, nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải tự tuyên truyền quảng bá để thu hút các đầu mối ở nước ngoài. Theo đó, Công ty lữ hành Vietravel có đề xuất rằng ngành du lịch cần đầu tư và phát triển hơn nữa về mặt cơ sở hạ tầng: cơ sở lưu trú, dịch vụ vận chuyển, các khu trung tâm hội nghị triển lãm, khu trung tâm mua sắm, các khu vui chơi giải trí về đêm.  

Có chiến lược quảng bá thương hiệu Du lịch Việt Nam về lâu dài, cố định thương hiệu, không nên cứ thay đổi liên tục về biểu tượng và khẩu hiệu. Mặt bằng giá cả và chất lượng dịch vụ cho MICE tại từng địa phương cần có sự thống nhất. Ngành cũng nên có các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh khối MICE…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục