Du lịch Việt loay hoay tìm sự khác biệt

10:31' - 15/05/2016
BNEWS Việc xây dựng sản phẩm du lịch còn thiếu sự gắn kết giữa doanh nghiệp lữ hành và nhà cung ứng địa phương. Vì vậy, các sản phẩm du lịch hiện thiếu đặc tính riêng, không tạo nên thương hiệu rõ ràng.
Việt Nam dần hình thành một hệ thống sản phẩm du lịch. Ảnh minh họa: Lê Lâm/TTXVN

Vẫn biết xây dựng được thương hiệu mới khiến du khách nhớ tới bản sắc riêng có của Việt Nam, tạo sự hấp dẫn khác biệt nhưng dường như, bài toán tìm “điểm nhấn cho du lịch Việt” chưa có lời giải thích hợp. Đây chính là trăn trở của nhà quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực du lịch.

Theo ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Thành phố Đà Nẵng, cần định vị giá trị cốt lõi cho du lịch Việt trong quá trình phát triển để tạo thương hiệu riêng. Gía trị cốt lõi phải tính đến sự phù hợp với nguồn khách tiềm năng. Chẳng hạn, giá trị cốt lõi cho du lịch Việt trong dài hạn là giá trị văn hóa truyền thống gắn với tài nguyên sinh thái (biển, đảo, sông núi...).

Việc lựa chọn các sản phẩm du lịch chính trong dài hạn phải dựa vào điều kiện về tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng, cơ sở cung ứng dịch vụ và nguồn nhân lực du lịch. Bên cạnh đó phải tính đến sự phù hợp của sản phẩm điểm đến với các nguồn khách tiềm năng. Ông Dũng đánh giá, 4 sản phẩm chính trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng năm 2030 là hợp lý.

Việt Nam dần hình thành một hệ thống sản phẩm du lịch: con đường di sản, con đường xanh tây nguyên, tour du lịch biển, tour du lịch văn hoá sinh thái... dựa trên thế mạnh, tiềm năng tài nguyên của đất nước.

Sự phát triển của sản phẩm du lịch đang dần hình thành theo vùng miền và tạo nên điểm đến mang tính chất biểu tượng cho du lịch Việt Nam như: Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc....

Tuy nhiên, ngoài thành tựu đat được, Việt Nam còn hạn chế trong bức tranh về sản phẩm du lịch. Môi trường du lịch còn nạn chèo kéo, chụp giật... Phát triển sản phẩm du lịch vẫn chưa có cơ sở khoa học nên phần lớn là dựa trên cảm tính. Ngoài ra, một hạn chế nữa phải kể là sự sao chép, dập khuôn, sản phẩm du lịch giữa các doanh nghiệp.

Theo Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp Thị, Công ty Du lịch Vietravel nêu quan điểm, có thể nói, từ trước đến nay, thương hiệu du lịch Việt luôn gắn liền với biển đảo, văn hóa, và sau đó là sinh thái. Điểm mới trong định hướng phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là phát triển thêm loại hình du lịch đô thị.

Vietravel cho rằng, việc dựa vào thế mạnh sẵn có của đất nước để làm du lịch là chiến lược đúng đắn. Tuy nhiên, điều đó không tạo được sự khác biệt.

Bà Hương cho biết, Việt Nam có thể nói là quốc gia sở hữu bờ biển dài và đẹp ở châu Á nhưng ngoài khai thác sản phẩm cần quan tâm bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch.

Các sản phẩm không chỉ cần đẹp, sạch để du khách mong muốn đến và yên tâm sử dụng mà còn cần tăng cường thêm các hoạt động trải nghiệm giúp du khách có thêm dịch vụ tại điểm đến và địa phương có thêm doanh thu từ du lịch.

Một góc Vịnh Hạ Long. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Việc định hướng sản phẩm du lịch nên chia theo từng vùng, địa phương để có thể triển khai xây dựng sản phẩm phù hợp thế mạnh của nguồn tài nguyên du lịch từng tỉnh.

Theo bà Hương, tại Việt Nam, ẩm thực được xem là nét văn hóa khá đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Bởi mỗi vùng miền mang một hương vị bản sắc văn hóa ẩm thực đặc trưng khác nhau. Đây là một lợi thế vô cùng lớn cho du lịch Việt Nam.

“Điều lưu giữ lại trong tâm trí của du khách nhiều nhất đó chính là cảm xúc. Việt Nam có câu nói dành cho phụ nữ “Con đường ngắn nhất đi đến trái tim người đàn ông chính là thông qua bao tử” và Vietravel cho rằng con đường ngắn nhất đi đến trái tim du khách chính là cảm xúc trong từng hương vị món ăn mà du khách thưởng thức”, bà Hương chia sẻ.

Vietravel đang xây dựng để trình lên Tổng cục Du lịch đề án “Xây dựng thương hiệu du lịch gắn với văn hóa ẩm thực Việt Nam ”. Công ty mong muốn, đề án sẽ góp phần cho việc quảng bá du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế theo một cách khác và mới hơn.

Thời gian qua, Vietravel tập trung khai thác sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng và mua sắm truyền thống. Bên cạnh đó các sản phẩm du lịch sử dụng hình thức thuê bao máy bay trọn chuyến cũng được Vietravel đầu tư nghiêm túc.

Việc phát triển các đường bay nối liền Cần Thơ – Đà Lạt và Cần Thơ – Nha Trang, hay các tuyến nước ngoài đi Nhật, Tam Á, Thái Lan khởi hành từ Tp.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế, Vinh… là sản phẩm thu hút sự quan tâm của du khách, gắn kết thúc đẩy phát triển du lịch của các tỉnh.

Ngoài việc phát triển sản phẩm du lịch, công ty chú trọng tới công tác chăm sóc khách hàng, và việc liên kết với đối tác để tối ưu hóa quyền lợi cho du khách.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bích, Công ty Mekong Rustic nêu quan điểm, qua thực tế hoạt động cho thấy, việc xây dựng sản phẩm du lịch mang tính bền vững hiện còn thiếu sự gắn kết giữa doanh nghiệp lữ hành và nhà cung ứng địa phương. Vì vậy, các sản phẩm du lịch hiện thiếu đặc tính riêng, không tạo nên thương hiệu rõ ràng
Nêu kinh nghiệm hoạt động, ông Bích cho biết, Công ty Mekong Rustic định hướng sản phẩm du lịch dựa trên văn hóa và cuộc sống hàng ngày của người dân. Bên cạnh đó, công ty cử người trực tiếp phục vụ khách du lịch và chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ nhưng đảm bảo giữ nguyên nét văn hóa bản địa.

Đại diện công ty này đề nghị doanh nghiệp nên tham gia tốt trong việc thu hút, đạo tạo, đề xuất sáng kiến phát triển du lịch có trách nhiệm đồng thời tham gia xây dựng chính sách và sản phẩm du lịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục