Du lịch Việt Nam chuẩn bị để hội nhập ASEAN

17:56' - 22/10/2015
BNEWS Ngày 22/10, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức họp báo về tình hình triển khai Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN hướng tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Họp báo về tình hình triển khai Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN hướng tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN. Ảnh: Linh An/BNEWS

Cuối năm 2015, theo lộ trình, Việt Nam sẽ chính thức gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Nhằm tạo điều kiện cho lao động lành nghề di chuyển trong khu vực, các nước ASEAN đã ký kết Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) và trong lĩnh vực du lịch là Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động du lịch (MRA-TP).

MRA-TP cho phép chứng chỉ của lao động lành nghề được cấp bởi các cơ quan chức năng tương ứng tại một quốc gia sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên khách trong khu vực.

Ông Trần Phú Cường, Phó Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Du lịch cho biết, việc thực hiện thỏa thuận này sẽ tạo ra một sân chơi chung giúp lao động của Việt Nam có cơ hội được ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức là lao động ở các nước khác sẽ tràn vào trong nước.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng vấn đề này có thể đem lại lợi ích cho ngành du lịch nếu như trong điều kiện hiện nay, khi cơ sở vật chất và hạ tầng của ngành du lịch Việt nam phát triển mạnh nhưng nguồn lao động du lịch trong nước lại thiếu hụt, đây sẽ là giải pháp bù trừ cho vấn đề nguồn nhân lực. Tóm lại, việc thừa nhận lao động giữa các nước trong khu vực ngoài mặt giúp ngành du lịch Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ, Việt Nam có thể thu hút được nguồn lao động tay nghề cao từ các nước khác.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu. Ảnh: Linh An/BNEWS

Tham gia vào quá trình này, ngành du lịch Việt Nam đã lựa chọn và đề cử nhân sự phù hợp tham gia các chương trình đào tạo do ASEAN tổ chức để phát triển đội ngũ đào tạo viên ASEAN và Đánh giá viên ASEAN đối với các nghề buồng, chế biến món ăn, lễ tân và phục vụ nhà hàng với tổng số 23 người.

Bên cạnh đó, ngành đã xây dựng và phát triển hệ thống các tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia (đã ban hành 8 bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia và đang trong quá trình chuyển đổi 10 bộ tiêu chuẩn nghề du lịch theo hệ thống VTOS do lien minh châu Âu hỗ trợ thành các bộ tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia) để có đủ tiêu chuẩn nghề chung trong ASEAN và gián tiếp là các nước trong khu vực; hoàn thiện đề án Tăng cường hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN trong lĩnh vực du lịch để phổ biến cho các đối tượng lien quan trong ngành…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh để tranh thủ được lợi ích từ MRA-TP và quá trình hội nhập du lịch trong ASEAN đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo về du lịch và người lao động thông qua việc tăng cường các hoạt động quản lý phát triển nguồn nhân lực, tổ chức đào tạo, tự đào tạo, củng cố nội lực, tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch, đồng thời có các chính sách thu hút và giữ chân nhân tài trong một môi trường cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ của khu vực ASEAN.

Linh An

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục