Du xuân Đền Phúc Khánh tưởng nhớ các vị chúa Bầu

06:56' - 05/02/2017
BNEWS Bảo Yên là một trong những vùng đất du lịch tâm linh nổi tiếng của Lào Cai với hệ thống quần thể di tích Thành cổ Nghị Lang được xây dựng từ thế kỷ 16.
Lễ hội Đền Bảo Hà. Ảnh: Báo Tin tức

 Những ngày đầu xuân, khi đến Bảo Yên du khách thường đến dâng lễ Ông Hoàng Bảy ở Đền Bảo Hà rồi đến Đền Cô Tân An - nơi thờ Công chúa Thượng Ngàn.

Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không ghé qua, thắp một nén nhang tại Di tích lịch sử quốc gia Đền Phúc Khánh để tưởng nhớ các vị chúa Bầu - những anh hùng có công khai phá, củng cố và trấn giữ “phên dậu quốc gia”.

“Đi lễ đền là để thấy lòng nhẹ nhõm hơn, bớt ưu phiền hơn. Tôi đi hội chỉ cầu sức khỏe cho con cháu trong nhà”, bà Hoàng Thị Yên 87 tuổi, du khách đến từ thành phố Yên Bái chia sẻ. Đền Phúc Khánh tọa lạc trên đồi Tấp, nằm trong quần thể di tích “Thành cổ Nghị Lang”, trung tâm thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Đền được xây dựng với một khuôn viên rộng, thoáng mát, tĩnh mịch, kiến trúc mang đặc trưng thời Lê - Mạc, thờ tự các vị chúa Bầu (Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật và con cháu).

Phía Đông giáp sông Chảy - một chiến hào tự nhiên với nước chảy cuồn cuộn ngày đêm. Ngôi đền hàm chứa giá trị lịch sử oanh liệt của các chúa Bầu thế kỷ 16, dấu tích còn in đậm trong nhiều trang viết và những câu truyện huyền thoại về Thành cổ Nghị Lang.

Trải qua thời gian với nhiều biến động của lịch sử, những bức tường thành đã sụt lở, mọi kiến trúc bên trong thành cũng như ngôi Đền Phúc Khánh gần như bị phá hủy hoàn toàn, vết tích của ngôi đền còn lại rất ít.

Thông qua các cuộc khai quật khảo cổ, tìm kiếm dấu tích Thành cổ Nghị Lang và Đền Phúc Khánh phát hiện một số tảng đá lớn có chạm, khắc hoa văn tinh xảo, một con rùa đá lớn lưng đội tấm bia đá, tuy tấm bia đã vỡ phần đầu, mặt bia bị bào mòn, nhưng vẫn hiện rõ dòng chữ ghi “Phúc Khánh Tự”, được xác định là tấm bia khi xưa do các Chúa Bầu xây dựng.

Ngoài ra, còn tìm thấy nhiều gạch, ngói xây hay các vật trang trí và vật dụng thời bấy giờ như: Bát, đĩa, chum, vại, bình, một số vũ khí như: kiếm, giáo.

Các đợt khảo cổ nghiên cứu đã thu thập được trên 300 hiện vật, khẳng định sự tồn tại của di tích, cũng như khẳng định được giá trị văn hóa truyền thống của các nghề thủ công thời kỳ đó như: rèn, mộc, gốm sứ tinh xảo của cha ông các dân tộc trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc…

Ông Hoàng Quang Đạt, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết, năm 2006, di tích lịch sử văn hóa Đền Phúc Khánh được trùng tu tôn tạo và xây dựng trên nền đất cũ theo kiến trúc thời Lê - Mạc. "Đây là một di tích có giá trị to lớn về nhiều mặt.

Qua nghiên cứu ở đó còn lưu giữ lại rất nhiều các giá trị về lịch sử văn hóa và khoa học, là một địa điểm nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc quân sự có giá trị".

Đến Bảo Yên, miền đất có hai dòng sông du khách sẽ được ngắm phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, được tỏ lòng thành kính của mình với những bậc tiền nhân có công dẹp giặc bảo vệ quê hương, đồng thời dâng nén hương thơm để tưởng nhớ tới những anh hùng một thời chống giặc, tạo bề dày truyền thống cho mảnh đất Bảo Yên hôm nay.

Hàng năm, cứ đến ngày mùng 10 tháng Giêng - Lễ hội Đền Phúc Khánh được long trọng tổ chức. Cùng với di tích Chiến thắng Đồn Phố Ràng, Đền Bảo Hà, Đền Cô Tân An, Đền Phúc Khánh đang dần hình thành nên một tuyến du lịch lịch sử, tâm linh kết nối với các tuyến, tour du lịch trong tỉnh Lào Cai trở thành thương hiệu và hành trình khám phá, trải nghiệm không thể thiếu của mọi du khách khi đến với Lào Cai./.

>>> Thịt trâu sấy Bảo Yên - món ngon ngày Tết vùng cao

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục