Đưa nông sản lên “sàn giao dịch”

16:51' - 31/08/2015
BNEWS Sản phẩm nông sản của Việt Nam đã được lên “sàn” thông qua các phiên giao dịch giới thiệu sản phẩm tại Trung tâm trợ giúp nông dân Hà Nội.

Mặt trời mới rạng, đường phố Hà Nội bắt đầu ngày mới với những tiếng ồn ào vội vã của đô thị lớn như vốn có, cũng là lúc nông dân các huyện ngoại thành Hà Nội chở các sản phẩm nông sản đặc hữu của địa phương đến sàn giao dịch 33 Nguyễn Chí Thanh (Trung tâm trợ giúp nông dân, Hội Nông dân thành phố Hà Nội).

Hoạt động đưa nông sản lên "sàn" là sáng kiến của Hội Nông dân thành phố Hà Nội phối hợp với các địa phương lân cận thủ đô lần đầu tiên thực hiện. Trong khuôn viên chưa đầy 100 m2, tầng 1 tòa nhà 33 Nguyễn Chí Thanh, phóng viên ghi nhận được hàng chục mặt hàng nông sản đặc trưng của mọi miền quê Hà Nội. Các sản phẩm nông sản tươi mới, như có dịp về đây tụ hội, khoe sắc, để các hãng buôn thả sức chọn lựa.

Sàn nông sản giúp tạo đầu ra cho hàng nông sản Việt Nam. Ảnh: Nguồn: TTXVN

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm (Hà Nội), hầu hết nông sản mang đến “sàn” đều là các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn mang đặc trưng của vùng quê mình. Với nông dân, việc đưa sản phẩm đến sàn giao dịch không chỉ để giới thiệu quảng bá sản phẩm, mà còn là cơ hội bán buôn, ký kết các hợp đồng cung cấp nông sản bền vững với các bạn hàng.

Chị Nguyễn Thị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội), một thương lái cung cấp các mặt hàng rau sạch qua các trang mạng chia sẻ:

"Phiên giao dịch là cơ hội kết nối hữu hiệu giữa thương lái và nhà sản xuất. Dưới sự bảo trợ và giúp đỡ của Hội Nông dân thành phố Hà Nội, chúng tôi truy xuất được tận gốc nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, các sản phẩm nông sản tại phiên giao dịch hết sức phong phú, đa dạng, giá thành lại phải chăng đã tạo điều kiện cho chúng tôi có các nguồn cung cấp sản phẩm tốt và bền vững".

Cũng theo quan sát của phóng viên, chỉ trong 2 giờ đồng hồ buổi sáng, các sản phẩm nông sản như rau sạch xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm); tương Đường Lâm (Sơn Tây); ổi an toàn xã Đông Dư (Gia Lâm); khoai tây Hương Ngải (Thạch Thất); tương - cà xã Tam Hiệp (Phúc Thọ)... đã được bà con tiểu thương mua với số lượng lớn. Một phiên giao dịch nhộn nhịp, rộn ràng cả một khu đường Nguyễn Chí Thanh. 

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội cho biết, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm trợ giúp nông dân Hà Nội phối hợp với các địa phương xây dựng các chương trình hành động theo từng quý, tổ chức các “Phiên giao dịch, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn”, nhằm cụ thể hóa việc kết nối, góp phần giúp nông dân thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và làng nghề. Từ đó, nâng cao giá trị thương mại cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của các sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm làng nghề truyền thống của Thủ đô.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức tập huấn giúp hội viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về quản lý và sản xuất kinh doanh, tìm thị trường. Trung tâm cũng thường xuyên cập nhật và kịp thời cung cấp thông tin về thị trường, giá cả, các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, quảng bá giới thiệu sản phẩm, hàng hóa.

Mặt khác, phối hợp với các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh cung ứng các dịch vụ truyền thông, quảng cáo về các sản phẩm của doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân đối với các sản phẩm do Việt Nam sản xuất và phát triển thương hiệu của các sản phẩm đó.

Đặc biệt, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 10 hội nghị xúc tiến thương mại để các hội viên nông dân và doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm đối tác và tiêu thụ sản phẩm.

Phiên giao dịch hàng nông sản của nông dân Thủ đô mở hướng sản phẩm đặc hữu của địa phương có thể vươn ra "biển lớn", góp phần xây dựng nông thôn mới giàu đẹp./.

Nguyễn Thắng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục