Đức kêu gọi Trung Quốc tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp nước ngoài

14:30' - 13/06/2016
BNEWS Ngày 12/6, trong chuyến thăm Bắc Kinh, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tạo ra một “sân chơi” bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại họp báo chung trong chuyến thăm Trung Quốc ba ngày từ 12 đến 14/6. Ảnh: EPA/TTXVN

Lời kêu gọi của Thủ tướng Đức đưa ra trong bối cảnh tình trạng dư thừa công suất trong ngành thép Trung Quốc bị cáo buộc đang gây sức ép cho ngành thép châu Âu.
Phát biểu ngày 12/6 tại Viện Khoa học ở Bắc Kinh, Thủ tướng Merkel kêu gọi Trung Quốc tiến hành cải cách ngành thép cũng như các ngành nghề khác để Liên minh châu Âu (EU) có thể trao quy chế nền kinh tế thị trường cho nước này.
Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, Trung Quốc có thời gian cải cách nền kinh tế trong 15 năm và khung thời gian này sẽ kết thúc vào cuối năm 2016. Trung Quốc đang kêu gọi EU công nhận nước này có nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, một vài chính phủ trong số các nước thành viên EU vẫn từ chối công nhận quy chế thị trường đối với Trung Quốc do cho rằng kinh tế Trung Quốc vẫn chịu sự chỉ đạo rất lớn của nhà nước.

Theo Thủ tướng Merkel, châu Âu sẽ xem xét vấn đề quy chế nền kinh tế của Trung Quốc, đồng thời cho rằng Berlin không thể tự quyết định một mình trong vấn đề này. Theo kế hoạch, vào mùa Thu tới, Uỷ ban châu Âu sẽ phải đưa ra quyết định có trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc hay không.
Năm 2015, kim ngạch song phương giữa Đức và Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 163 tỷ euro, trong khi Đức có khoảng 5.000 doanh nghiệp đầu tư gần 50 tỷ euro tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp nước ngoài đang phàn nàn về những rào cản như nạn quan liêu, về tình trạng bị "ép" phải liên doanh với các doanh nghiệp bản địa, việc tiếp cận thị trường một cách hạn chế hoặc thiếu sự bảo vệ đối với quyền sở hữu trí tuệ.
Phát biểu tại Bắc Kinh, Thủ tướng Merkel cũng kêu gọi Trung Quốc cần đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp Đức và bản địa trong các vấn đề luật pháp, cho rằng một khuôn khổ pháp luật đảm bảo là điều quan trọng đối với vấn đề đầu tư của các doanh nghiệp.

Liên quan tới mối lo ngại của các doanh nghiệp Đức trong việc hợp tác với các đối tác Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao, Thủ tướng Merkel cho rằng hai bên cần đạt tiến bộ trong cuộc chiến chống gián điệp mạng.
Thủ tướng Angela Merkel cho biết Đức và Trung Quốc đã nhất trí thiết lập "một hệ thống cảnh báo sớm" để tránh những rắc rối cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) của Đức khi luật mới của Trung Quốc liên quan đến các tổ chức này có hiệu lực.
Thủ tướng Merkel cho biết bà và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ về các vấn đề có thể phát sinh khi luật trên chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2017.

Luật mới nói trên của Trung Quốc cho phép cảnh sát thẩm vấn các nhân viên của NGO, theo dõi hoạt động tài chính của họ, cũng như yêu cầu dừng hoạt động của các văn phòng NGO. Các tổ chức chính trị Đức đã bày tỏ quan ngại luật này sẽ cản trở hoạt động của các NGO.
Theo Tân Hoa xã, trong cuộc gặp với người đồng cấp Đức, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh Trung Quốc tin tưởng vào tương lai quan hệ hai nước, đồng thời kêu gọi hai bên nỗ lực mở rộng những lợi ích chung và tạo ra các lĩnh vực hợp tác mới.
Thủ tướng Merkel thăm Trung Quốc từ ngày 12-14/6. Đây là chuyến thăm thứ 9 của bà đến Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền năm 2005. Trong khuôn khổ chuyến thăm, những người đứng đầu chính phủ hai nước dự kiến đồng chủ trì vòng tham vấn liên chính phủ Trung-Đức lần thứ tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục